UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thuộc trách nhiệm của thành phố.
VÀNH ĐAI 4 TẠO LIÊN KẾT VÙNG VÀ HIỆU ỨNG LAN TOẢ
Kế hoạch nêu rõ đường Vành đai 4 là tuyến đường vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.
Việc đầu tư phát triển tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ chỉ đạo triển khai tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 với tiến độ tổng thể chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Đồng thời là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
Với khối lượng công việc rất lớn và các đặc điểm đặc thù của dự án như: việc giải phóng mặt bằng được tách thành dự án thành phần, vốn đầu tư dự án sớm nhiều nguồn khác nhau, nhiều thủ tục trình tự chưa có quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật, triển khai với nhiều cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua... thì rất cần thiết phải ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết.
Từ đó, đảm bảo huy động toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất mới có thể triển khai thành công dự án, đáp ứng mục tiêu, tiến độ đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ chỉ đạo.
THÁNG 12/2023 BÀN GIAO TOÀN BỘ MẶT BẰNG
Theo đó, Kế hoạch số 244 đưa ra các mốc tiến độ chi tiết, để bàn giao tối thiểu 70% trong tháng 6/2023 và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023. Từ đó, tạo tiền đề khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Cụ thể, thứ nhất, công tác lập, thẩm định, phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn tuyến trên địa bàn thành phố.
Tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ 05 đoạn trên toàn tuyên thuộc địa bàn thành phố, gồm: Quốc lộ 18 - cầu Hồng Hà; cầu Hồng Hà - Quốc lộ 32; Quốc lộ 32 - Quốc lộ 6; Quốc lộ 6 - Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1A - cầu Mễ Sở trong tháng 9/2022.
Thứ hai, xây dựng, trình UBND Thành phố phê duyệt cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Tổ chức xây dựng, phê duyệt cơ chế chính sách áp dụng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án để làm cơ sở triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thi công xây dựng công trình xong trong tháng 9/2022.
Thứ ba, công tác bố trí tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.
UBND các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín rà soát nhu cầu tái định cư, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch — Kiến trúc, Xây dựng và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đề xuất danh mục các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, báo cáo UBND thành phố xem xét chấp thuận, triển khai lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án đường Vành đai 4 — Vùng Thủ đô; hoàn thành trong tháng 4/2023.
UBND quận Hà Đông rà soát nhu cầu tái định cư, phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố làm cơ sở đề UBND thành phố xem xét chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện được bố trí nhà tái định cư của dự án đầu tư; hoàn thành xong trong tháng 9/2022.
Thứ tư, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án.
Phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh báo cáo Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 để chỉ đạo triển khai các công việc liên quan của các dự án thành phần đảm bảo tính đồng bộ về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả: hoàn thành trong tháng 9/2022.
Thứ năm, cắm, bàn giao mốc giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức cắm mốc chỉ giới đường đỏ, mốc giải phóng mặt bằng và tiền hành bàn giao mốc ngoài thực địa cho UBND các quận, huyện đề triển khai các công tác tiếp theo phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tiến độ cụ thể như sau: cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông đối với các đoạn đã phê duyệt, xong trước ngày 15/9/2022.
Cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín và Hoài Đức (đoạn đi ngoài đê Sông Đáy qua xã Song Phương) xong trước ngày 30/10/2022 (chỉ giới đường đỏ các đoạn tuyến còn lại được phê duyệt trước 30/9/2022).
Thứ sáu, lập, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1, dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3.
Lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội; dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội và dự án thành phần 3: đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư; tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; tư vấn thẩm tra và các đơn vị tư vấn khác (nếu có) trong tháng 10/2022.
Thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đê điều, hành lang thoát lũ: hoàn thành trong tháng 11/2022.
Khảo sát, lập, thẩm tra, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi thi dự án thành phần 1.1, dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3: hoàn thành trong tháng 12/2022.
Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần: hoàn thành trong tháng 12/2022.
Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1, dự án thành phân 2.1 và dự án thành phần 3: hoàn thành trong tháng 12/2022.
Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1, dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3: hoàn thành tháng 01/2023.
Thứ bảy, lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT.
Tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư: hoàn thành trong tháng 10/2022. Tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư: hoàn thành trong tháng 12/2022. Tiến hành lựa chọn nhà đầu tư: hoàn thành trong tháng 6/2023.
Thứ tám, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Với dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Chuẩn bị và lựa chọn đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật — dự toán và các đơn vị tư vấn liên quan: hoàn thành trong tháng 02/2023.
Lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng công trình: hoàn thành trong tháng 5/2023. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu: hoàn thành trong tháng 5/2023.
Với dự án thành phần 3: đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán tiêu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong dự án thành phần 3: Hoàn thành trong tháng 3/2022.
Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tháng 6/2023. Sau khi có quyết định lựa chọn, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án PPP triển khai việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán.
Thứ chín, lựa chọn nhà thầu thi công.
Với dự án thành phần 2.1, xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội: lập, thẩm định và phê duyệt, phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp; tư vấn giám sát; bảo hiểm công trình: Hoàn thành trong tháng 6/2023.
Đấu thầu, lựa chọn và thương thảo, ký hợp đồng nhà thầu xây lắp; tư vấn giám sát; bảo hiểm công trình: hoàn thành trong tháng 8/2023, trong đó đối với gói thầu khởi công hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/6/2023.
Với dự án thành phần 3, đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư: nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành trong tháng 6/2023. Ưu tiên, tập trung triển khai đối với tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong dự án thành phần 3.
Hoàn thành các thủ tục để khởi công công trình trong tháng 6/2023.
Thứ mười, bàn giao mặt bằng. Tháng 6/2023: bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tháng 12/2023: bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án.
Thứ mười một, khởi công công trình. Hoàn thành các thủ tục khởi công công trình dự án thành phần 2.1 trong tháng 6/2023. Hoàn thành các thủ tục khởi công công trình dự án thành phần 3 trong tháng 6/2023.
Thứ mười hai, tổ chức triển khai thi công. Quá trình triển khai thi công tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thi công đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 12/2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Đoạn trên địa bàn TP. Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.