April 26, 2024 | 10:02 GMT+7

Hà Nội và mục tiêu "điểm đến du lịch văn hóa toàn cầu"

Nguyệt Hà -

Với tầm nhìn chiến lược và định hướng dài hạn, Hà Nội đã đặt mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô trở thành điểm đến an toàn, chất lượng hấp dẫn không chỉ của khu vực và thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với gần 6.000 di tích trong đó có 1 di sản thế giới, hơn 1.350 làng nghề, hàng chục bảo tàng nhà hát cấp Quốc gia như: bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bảo tàng Dân tộc học, nhà hát Lớn, nhà hát Chèo Trung Ương, nhà hát Múa rối Thăng Long… Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt có nguồn tài nguyên nhân văn, thiên nhiên văn hóa, lịch sử phong phú để phát triển du lịch văn hóa làng nghề, tâm linh.

4 TUYẾN DU LỊCH HÚT KHÁCH

Tài nguyên văn hóa của Thủ đô được thể hiện trên 4 khía cạnh: di tích - di sản, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực và nghệ thuật dân gian.

Với nguồn tài nguyên dồi dào đó, Thành phố đã tập trung phát triển 03 tuyến du lịch thu hút du khách hiệu quả như tuyến: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với di tích Quảng trường Ba Đình – Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh – Văn miếu Quốc tử giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Hà Nội.

Đồng thời gắn chuỗi sản phẩm trên với Thăng Long Tứ trấn, khu vực Hồ Tây đặc biệt khu vực phố Cổ, phố Cũ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản lịch sử như múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa – Đông Anh, khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa Mê Linh.

Tuyến sản phẩm thứ 3 nằm tại khu vực Ba Vì với hệ thống di tích đền Hạc, đền Trung đền Thượng đền thờ Bác Hồ gắn với di tích Đá Chông, khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Hà Nội đã đưa vào khai thác tuyến sản phẩm xunh quanh giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Ba Vì.
Hà Nội đã đưa vào khai thác tuyến sản phẩm xunh quanh giá trị cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Mới đây, du lịch Hà Nội đã công bố và đưa vào khai thác tuyến du lịch thứ 4 là Thanh Oai –  Ứng Hòa – Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”. Tiếp đó khai trương và đưa vào khai thác tuyến du lịch Cộng đồng bản Miền Ba Vì với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm – Dưỡng tuệ” gắn với việc khai thác giá trị văn hóa bản địa và làng nghề làng thuốc Nam của người Dao.

Hà Nội đã cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút nhận được nhiều sự quan tâm đánh giá cao của du khách trong và ngoài nước như: chuỗi sản phẩm du lịch đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng” của khu di tích nhà tù Hỏa Lò; tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của khu di tích Hoàng Thành hay tour đêm Văn miếu Quốc tử giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”; tour văn học “Chữ Tâm chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học; tour “Đêm Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”…

Đây đang là những sản phẩm du lịch mới rất hút khách cả trong và ngoài nước. Không chỉ đem lại sự mới mẻ hấp dẫn cho du lịch Thủ đô, các sản phẩm du lịch đêm này đã mang tới thêm nhiều lựa chọn, trải nghiệm thú vị cho du khách những ngày lưu trú tại Hà Nội.

KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN VĂN HÓA

Có thể nói, nhờ những nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa truyền thống, Hà Nội ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Quy mô du lịch của Hà Nội ngày càng được mở rộng, vị thế được nâng cao.

Năm 2023 Tổng khách du lịch đến Hà Nội tăng 27% so với 2022, tăng 9,1% so với kế hoạch. Khách quốc tế tăng trưởng mạnh với 267% so với 2022 và 33,7% so với kế hoạch. Khách nội địa tăng tương ứng là 16% và 5%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 ngàn tỷ đồng, tăng 45% so với 2022, tăng 13,83% so với kế hoạch đề ra.

Nhiều năm gần đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức, kênh truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều lần được xếp hạng các thành phố là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2023 vừa qua cũng là năm Hà Nội bội thu giải thưởng quốc tế với nhiều vị trí đánh giá, xếp hạng cao như: điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 (Tổ chức giải thưởng Golf thế giới).

Đặc biệt, năm 2023 Hà Nội đã có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực danh giá thế giới - tuyển chọn; trong đó có ba nhà hàng đạt 1 sao Michelin.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Hà Nội. Trong đó, công tác tôn tạo, bảo tồn di sản vẫn chưa thực sự tốt, một số di tích di sản trong tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng tới sự tồn tại của di sản cũng như khả năng khai thác du lịch. Thiếu sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, khác biệt để lan tỏa thương hiệu Du lịch văn hóa của Thủ Đô tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát huy giá trị cảnh quan không gian kiến trúc gắn với văn hóa đặc sắc riêng có của Hà Nội
Ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát huy giá trị cảnh quan không gian kiến trúc gắn với văn hóa đặc sắc riêng có của Hà Nội

Cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng vật chất kỹ thuật phụ trợ dịch vụ du lịch nhiều điểm di tích chưa được đầu tư, thiếu sự đồng bộ. Khả năng kết nối hạn chế, chất lượng nhiều điểm đến du lịch còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về tổ chức dịch vụ, vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên điểm đến… do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Để khắc phục các tồn tại, phát huy khai tác được các tiềm năng du lịch sẵn có, bà Diễm Hảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch Hà Nội cho biết ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát huy giá trị cảnh quan không gian kiến trúc gắn với văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Hà Nội như phố Cổ, phố Cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận…. phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử kháng chiến, văn hóa nghệ thuật.

“Chúng tôi sẽ tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa Hà Nội dựa vào các giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống trên các kênh truyền thông lớn của Thế giới và khu vực. Định kỳ hàng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện Lễ hội du lịch văn hóa lớn đặc sắc như Lễ hội Áo dài,  Lễ hội quà tăng du lịch… để du lịch Hà Nội trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa của quốc gia và quốc tế”, bà Diễm Hảo chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate