Sáng 21/7, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành và 114 xã, phường, đặc khu trên toàn địa bàn về công tác ứng phó với Bão số 3.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20km/h.
Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được từ 10-15km/h và có khả năng mạnh lên, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc, 107,4 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực Hải Phòng, có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, lượng mưa tính đến 01h ngày 21/7 phổ biến từ: 14-40mm (Mưa tập trung vào chiều tối ngày 20). Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ sáng sớm ngày 21/7 đến trưa ngày 21/7 có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa phổ biến 10-15mm.
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng về công tác phòng, chống bão số 3 (bão WIPHA), trước diễn biến phức tạp của cơn bão, các lực lượng chức năng và Sở, ngành thành phố đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Lực lượng tham gia ứng phó trên 35.400 người, trong đó quân sự trên 25.000 người, công an 9.400 người.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh bão, chỉ đạo các đơn vị thông báo, hướng dẫn cho 1.657 phương tiện/4.668 lao động đang hoạt động trên biển.
Các sở, ngành thành phố đã chủ động kiểm tra hiện trạng, triển khai các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Trong đó, Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, hiện còn 32 điểm đen ngập lụt (là khu vực ngập lụt khi mưa trên 50 mm, đối với các trận mưa có chu kỳ lặp lại liên tục trong các năm gần đây, kết hợp triều cường); Sở thường xuyên tuần tra, kiểm tra theo dõi và chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị để xử lý kịp thời các vị trí sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt.
Bên cạnh đó, tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống cây xanh đô thị. Từ đầu mùa mưa bão (tháng 5/2025 đến nay), đơn vị đã xử lý cắt hạ cây chết, cắt hạ cây sâu mục nguy hiểm: 837 cây; cắt tỉa cành và thu gọn 2.851 tán cây bóng mát, chằng chống 4.412 cây. Hiện, đơn vị tiếp tục bố trí lực lượng kiểm tra, cắt tỉa thu gọn tán cây bóng mát, chằng chống cây bóng mát, cây cảnh đến sát thời điểm bão đổ bộ.
Về công tác di dời người dân ở chung cư cũ, trên địa bàn thành phố hiện có 78 chung cư cũ, tập trung tại 8 phường: Gia Viên (35 chung cư), Ngô Quyền (10), An Biên (12), Lê Chân (4), Hồng An (8), Hồng Bàng (4), Kiến An (2), Lê Thanh Nghị (1), Thành Đông (2). Trong đó, 34 chung cư không còn người sinh sống; còn 41 chung cư ở Đông Hải Phòng đã di dời khoảng 300 hộ, còn lại 2.600 hộ; 3 chung cư ở Tây Hải Phòng hiện vẫn có người sinh sống. Sở Xây dựng thành phố đã xây dựng phương án sơ tán các hộ dân đang sinh sống ở tại chung cư nguy hiểm, xuống cấp; đồng thời đề nghị các địa phương sẵn sàng hỗ trợ người dân sơ tán khi có tình huống xảy ra.
Các xã, phường, đặc khu đã triển khai thực hiện tuyên truyền, thông báo, cảnh báo bão cho 1.657 phương tiện; 9.900 lồng bè; 16.000 khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có 2.500 khách nước ngoài. Đến thời điểm này, đã huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã gồm 29.361 người của lực lượng xung kích cấp xã, phường, đặc khu và lực lượng huy động tại chỗ trên 5.000 người.
Về tình hình đê điều, thủy lợi, toàn thành phố hiện có 75 vị trí đê, kè, cống xung yếu cần theo dõi, gồm 8 điểm cấp thành phố và 67 điểm cấp xã, phường, đặc khu. Tất cả các điểm này đã được xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã chủ động hạ thấp mực nước đệm, chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị và lực lượng ứng trực theo phương án vận hành khi có yêu cầu. Tại hệ thống Bắc Hưng Hải, địa bàn xã Kẻ Sặt ghi nhận 3 đoạn sạt lở bờ kênh dài từ 85–150m, có nơi lòng kênh bị lở chỉ còn khoảng 1m. Công ty TNHH MTV CTTL Bắc Hưng Hải đã phối hợp địa phương xử lý khẩn cấp ngay trong giờ đầu.
Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống Bão số 3, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết, hiện toàn bộ lực lượng thành phố đang vào vị trí sẵn sàng, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi bão đổ bộ.
Chủ tịch thành phố yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và UBND thành phố, đồng thời theo dõi sát diễn biến thực tế của bão để kịp thời ứng phó.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, đầu tiên là phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, tiếp đó là bảo vệ tài sản, theo thứ tự: tài sản nhà nước, tài sản người dân và tài sản doanh nghiệp"; Khẩn trương xây dựng phương án tổ chức di dời người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các chung cư cũ, các điểm đê điều trọng yếu như Chí Linh, Cổ Thành, Thanh Hải.
Các địa phương cần chủ động vận động người dân tự giác sơ tán, ưu tiên di dời người già, trẻ em trước 18h, hoàn thành toàn bộ công tác sơ tán trước 20h cùng ngày; Đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu, an toàn và chu đáo tại các điểm tiếp nhận người dân; Công an và lực lượng quân đội chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản tại nhà dân trong thời gian sơ tán.