Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 13h ngày 21/7, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 21,1 độ vĩ Bắc; 109,1 độ kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120km, Hải Phòng 260km, Hưng Yên 280km và Ninh Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc.
Dự báo trong những giờ tới, khi bão tiến gần hơn về phía đất liền nước ta, tổ chức mây sẽ ổn định và cường độ bão có khả năng tăng. Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính thuộc Phòng Dự báo số trị viễn thám (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia), cho biết mưa sẽ bắt đầu gia tăng từ chiều tối 21/7 và đạt đỉnh vào đêm cùng ngày, kéo dài tới rạng sáng 22/7 – thời điểm tâm bão có thể áp sát vùng ven biển nước ta.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa hoàn lưu bão và gió Đông Bắc có thể khiến lượng mưa tăng mạnh tại các khu vực có địa hình dốc như vùng núi phía Đông Bắc, trong đó đáng lo ngại là vùng núi Thanh Hóa và Nghệ An. Cấu trúc địa hình phức tạp của dãy Trường Sơn được dự báo sẽ khiến nơi đây trở thành vùng hứng chịu lượng mưa lớn nhất do bão gây ra.
Nguy cơ ngập úng tại vùng trũng, lũ quét và sạt lở đất tại các khu vực đồi núi là rất cao. Đáng chú ý, hiện tượng sạt lở đất không chỉ diễn ra trong lúc mưa bão mà còn có thể xuất hiện sau đó do đất đá bị bão hòa nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Tại tỉnh Ninh Bình, trước dự báo mưa lớn và gió mạnh do bão số 3 gây ra, ngày 21/7, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn số 108/SDL-QLLH về việc tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa trên toàn tỉnh kể từ 13h ngày 21/7 cho đến khi có thông báo mới.

Sở Du lịch yêu cầu các Ban Quản lý khu, điểm du lịch chủ động thông báo tới du khách, các công ty lữ hành, hướng dẫn viên về việc tạm dừng dịch vụ. Đồng thời, hướng dẫn phương án di chuyển an toàn, phối hợp lực lượng chức năng đảm bảo an toàn tại các khu vực bến, bãi.
Các đơn vị vận hành phương tiện thủy được yêu cầu tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại các vị trí an toàn; kiểm tra, rà soát trang thiết bị cứu sinh và luôn trong trạng thái sẵn sàng phối hợp cứu hộ khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư Ninh Bình, tính đến 10h sáng 21/7, toàn tỉnh có 1.861 tàu cá với tổng số 5.724 lao động đều đang neo đậu an toàn tại bến. Trong đó, có 1.838 tàu/5.596 lao động neo đậu trong tỉnh và 23 tàu/128 lao động neo đậu tại các tỉnh ngoài như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 782 lều chòi với 894 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê; 45 cơ sở nuôi lồng bè với 891 lồng trên các sông và tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 35.265 ha, trong đó có 26.107 ha nuôi nước ngọt và 9.158 ha nuôi mặn lợ.
Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan tích cực thông tin về diễn biến bão đến từng hộ dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tại các khu vực ngoài đê, để kêu gọi vào bờ, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Tại Thanh Hóa, công tác ứng phó với bão số 3 đang được triển khai khẩn trương. Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã cử các thành viên trong 6 tổ công tác đến những điểm trọng yếu, từ vùng núi cho tới 17 xã ven biển.

Đặc biệt, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở vùng đồi núi được quan tâm chỉ đạo sát sao. Với 71 xã thuộc khu vực miền núi cũ, đến ngày 20/7, các địa phương đều đã chuẩn bị các phương án phòng, chống bão từ sớm.

Nhằm dành thời gian tập trung cho công tác ứng phó bão, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định rút ngắn thời gian kỳ họp thứ 31 (diễn ra ngày 21-22/7) xuống còn 1 ngày 21/7. Dù thời gian họp ngắn lại, nhưng vẫn đảm bảo hoàn tất các nội dung quan trọng đã đề ra.
Thông tin từ lực lượng chức năng cho biết, đến sáng 21/7, toàn tỉnh có 6.566 phương tiện với 21.868 lao động đã về nơi neo đậu an toàn. Hiện chỉ còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động tại các vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Nam Biển Đông. Hiện 100% tàu cá đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão và giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan chức năng cũng như gia đình.
Ngày 21/7, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, tính từ 20 giờ ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, trên địa bàn xảy ra mưa ở nhiều nơi. Một số nơi ghi nhận lượng mưa khá lớn như xã Quang Chiểu (73,2 mm) và xã Mường Lát (28,2 mm).
Mưa lớn kèm giông lốc đã làm nhiều tài sản, nhà cửa của người dân, công trình an sinh xã hội bị hư hỏng, mặc dù bão số 3 (Wipha) vẫn chưa vào bờ.

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Thanh Hóa có 221 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1 nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất; gần 19 ha lúa, hơn 61 ha rau màu, 33,5 ha cây trồng hằng năm, 5 ha cây lâu năm bị hư hại; 157 cây xanh đô thị và bóng mát bị gãy đổ; hai điểm trường bị hư hỏng nhẹ; 61 cột điện hạ thế và 6 cột viễn thông bị gãy, nghiêng; 3 ô tô con và 4 xe máy bị hư hỏng; 2 trụ sở cơ quan, 5 nhà xưởng... bị hư hỏng.
Mưa lớn và gió giật còn khiến 1 người bị thương là ông Hoàng Văn Q. (SN 1966, trú tại thôn Hải Tiến, xã Như Thanh), do cây đổ trúng người khi đang di chuyển qua xã Mậu Lâm. Hiện ông Q. đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Như Thanh, sức khỏe ổn định. Trên địa bàn cũng ghi nhận 1 hộ dân phải di dời khẩn cấp do nguy cơ cao sạt lở đất.