Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Tiểu ban an toàn, an ninh mạng thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại cuộc Diễn tập về phòng, chống tấn công mạng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cho biết mặc dù, đã có hệ thống văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND thành phố, song việc tổ chức triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn thành phố vẫn chưa được bài bản, chưa sâu rộng.
Ngoài ra, nhận thức về an ninh mạng của một số lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống Nhà nước trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, còn biểu hiện lơ là, chủ quan…
Ông Tùng cho biết, trên cơ sở báo cáo của Công an thành phố và các số liệu, tình hình thực tế hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, cho thấy tình hình tội phạm công nghệ cao tại thành phố có chiều hướng tăng, năm 2022 tăng 40% so với năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng thì nguy cơ bị tấn công càng cao, công tác an ninh mạng càng phải được đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị và địa phương, tổ chức doanh nghiệp nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu về an toàn, an ninh mạng. Các Cổng, Trang thông tin điện tử còn nhiều điểm yếu. Việc sử dụng các thiết bị thông minh còn nhiều sơ hở dẫn đến những nguy cơ rất lớn về lộ lọt thông tin. Điển hình, kết quả kiểm tra đợt 1 năm 2022 tại 8 cơ quan, đơn vị đều phát hiện có vấn đề; đã phát hiện 966 lỗ hổng bảo mật.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại nêu trên, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Tiểu ban an toàn, an ninh mạng thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố; lãnh đạo các quận, huyện tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ cụ thể, gồm:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 của Chính phủ, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết, Kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố tới từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị quản lý.
Đối với khối Sở, ngành thành phố tổ chức hội nghị diễn tập tại Cung Văn hoá lao động Việt Tiệp; đối với các quận, huyện tổ chức Hội nghị quán triệt và tổ chức diễn tập, với thành phần mở rộng tới từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị quản lý.
Yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí kinh phí và phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất, báo cáo UBND thành phố xem xét, bố trí nguồn kinh phí năm 2023 để nâng cấp các thiết bị đảm bảo an ninh mạng; khắc phục, xử lý triệt để 966 lỗ hổng bảo mật đã kiểm tra, phát hiện tại 8 cơ quan, đơn vị.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất, báo cáo UBND thành phố việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng về an ninh mạng; đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhân lực hiện có của các cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động viễn thông trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố bảo đảm an ninh mạng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật, cung cấp các sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng theo quy định.
Công an thành phố (cơ quan thường trực của Tiểu Ban an toàn, an ninh mạng thành phố) tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các quận, huyện, cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định và tổ chức diễn tập về phòng, chống tấn công mạng; kiểm tra việc khắc phục các lỗ hổng bảo mật tại 8 cơ quan, đơn vị; đề xuất UBND thành phố xem xét đầu tư kinh phí bảo đảm lĩnh vực an ninh mạng, bổ sung trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiệp vụ cho Phòng PA05, Công an thành phố.