Nhà chức trách Hàn Quốc sẽ theo đõi điện thoại đi động của hàng trăm người đang nằm trong diện cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của hội chứng suy hô hấp Trung Đông (MERS). Dịch MERS bùng phát đã khiến 6 người Hàn Quốc thiệt mạng, trong khi con số người nhiễm loại virus chết người này tính đến ngày 8/6 đã tăng lên con số 87.
Theo hãng tin Reuters, ngày 7/6, Hàn Quốc xác nhận 14 ca nhiễm MERS mới. Ngày 8/6, con số người nhiễm MERS tăng thêm 23 người, lên con số 87. Trong số này, 6 người đã tử vong.
Trước sức ép của dư luận chỉ trích Chính phủ thiếu minh bạch trong việc ứng phó với MERS, Bộ Y tế Hàn Quốc ngày 7/6 đã công bố tên của 24 cơ sở y tế nơi diễn ra việc lây nhiễm MERS hoặc bệnh nhân MERS đã từng ghé qua. Hiện Hàn Quốc là nơi có số bệnh nhân nhiễm MERS lớn nhất ngoài khu vực Trung Đông.
“Xin hãy hiểu rằng đây là biện pháp bắt buộc vì quyền lợi cho gia đình của các bạn và những người sống xung quanh”, Phó thủ tướng Hàn Quốc Choi Kyung-hwan nói trong một cuộc họp báo ở Sejong sau khi công bố kế hoạch theo dõi điện thoại di động của những người trong diện cách ly. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo rằng những người này sẽ không đi ra ngoài.
Nhà chức trách Hàn Quốc đang cách ly hơn 2.300 người, trong đó một số được đưa tới các cơ sở y tế, nhưng chủ yếu được cách ly tại nhà. Trong số những người bị cách ly có toàn bộ cư dân của một ngôi làng khoảng 105 người ở phía Tây Nam của Hàn Quốc. Trước đó, một cư dân của làng này đã tới một bệnh viện nơi bệnh nhân MERS đầu tiên của nước này được điều trị và nhiễm bệnh.
Tháng trước, một người Hàn Quốc đã trốn sang Hồng Kông trong khi đang được cách ly tự nguyện tại nhà. Sau đó, người này sang Trung Quốc đại lục và được xét nghiệm dương tính với MERS tại đây.
Dịch MERS bùng phát tại Hàn Quốc, với ca nhiễm đầu tiên được thông báo vào hôm 20/5, đang khiến dư luận nước này đặc biệt quan ngại. Hơn 1.800 trường học ở Hàn Quốc sẽ phải đóng cửa trong vài ngày tới vì lo sự lây lan của virus. Hàng ngàn du khách cũng đã hủy kế hoạch tới thăm đất nước này.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình bởi tất cả các ca MERS ở Hàn Quốc đều là lây nhiễm tại các cơ sở y tế, không lan rộng ra công đồng”, ông Choi Kyung-hwan nói.
Được phát hiện trên người lần đầu tiên vào năm 2012, virus MERS cùng họ với loại virus gây hội chứng suy hô hấp cấp (SARS). Tuy vậy, MERS gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với SARS, lên tới 38%, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phó thủ tướng Choi Kyung-hwan, người đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc, nói cần có thêm ngân sách cho việc chống MERS. Trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc giảm tốc, MERS đang gây áp lực lớn hơn buộc Ngân hàng Trung ương nước này cắt giảm thêm lãi suất. Nhiều khả năng, việc cắt giảm này sẽ diễn ra trong cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân hàng Trung ương vào ngày 11/6.
“Chúng tôi đề nghị mọi người không nhạy cảm quá mức để tránh gây cản trở các hoạt động kinh tế”, ông Choi Kyung-hwan nói.
Ca tử vong vì MERS mới nhất ở Hàn Quốc là một người đàn ông 75 tuổi đã ở cùng phòng cấp cứu trong một bệnh viện ở Seoul nơi 17 người khác, bao gồm 2 nhân viên y tế, được cho là đã bị nhiễm MERS - Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết.
Bệnh nhân MERS đầu tiên ở Hàn Quốc là một người trở về sau một chuyến đi tới Trung Đông. Nhà chức trách ngày 7/6 cho biết, vợ của người này cũng đã nhiễm MERS như đã khỏi bệnh và là bệnh nhân MERS đầu tiên ở Hàn Quốc được xuất viện.
WHO nói chưa phát hiện thấy sự lây nhiễm phổ biến của MERS giữa người với người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, virus có thể biến đổi và lan rộng nhanh chóng như dịch SARS hồi năm 2002-2003 khiến khoảng 800 người trên thế giới thiệt mạng.
Theo số liệu của WHO, tính đến cuối tuần trước, số ca nhiễm MERS trên toàn cầu đã lên tới con số 1.208 người, trong đó có ít nhất 444 người tử vong.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate