Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 ngày 6/8 đã thực sự gây chú ý khi báo cáo của các Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và qua tổng hợp của các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống Covid-19 công bố những thiệt hại về hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và rất cần được hỗ trợ đặc biệt.
NÔNG, THỦY SẢN TẮC ĐẦU RA
Tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc sản lượng nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi đã lên tới gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn các loại trái (thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, dứa, xoài, bưởi, cà phê, ca cao), 120 ngàn tấn hải sản, 600 ngàn tấn thịt gà, khoảng 400 triệu quả trứng…
Trị giá hàng hóa ước tính lên tới chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được tiêu thụ và hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết qua nắm bắt tình hình và phản ánh của các Tổ công tác, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc tiêu thụ các sản phẩm này. Đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động từ khâu thu hoạch, đến vận chuyển và bảo quản. Nhiều nhà máy chế biến đóng cửa gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm tươi cũng như sản phẩm chế biến.
Tiếp đó là khó khăn trong vận chuyển hàng hóa ngay trong từng địa phương, đặc biệt giữa các địa phương với nhau. Theo ông Diên, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn, quy định rất cụ thể nhưng việc áp dụng ở từng địa phương không giống nhau.
"Nhiều địa phương vẫn đặt ra quy định riêng của mình, vì thế làm ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu nói chung, nhất là hàng hóa nông thủy sản và đồ tươi sống".
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
“Vận chuyển ách tắc càng làm cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản nói chung khó hơn. Bên cạnh đó, việc thu mua, giao thương trực tiếp trong bối cảnh giãn cách càng không thể thực hiện được ”, ông Diên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng, hàng tồn kho nông sản hiện rất lớn, trong đó phần lớn nằm ở 17.000 hợp tác xã và trên 100 nghìn tổ hợp tác của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Bảo chỉ ra hàng loạt những khó khăn của các hợp tác xã hiện nay. Đó là đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tiếp tục tăng, tài chính hợp tác xã và hộ nông dân hạn chế. 80% lượng thực phẩm của các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất thông qua thương lái phân phối. Như vậy, thương lái đảm nhận 80% logistics. Trong khi đó, chi phí logistics cao, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từnhà nướccủa các hợp tác xã,hộ nông dân còn chậm.
KHAI THÔNG CHỢ ĐẦU MỐI LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
Để giải quyết những nút thắt này, ông Diên cho biết, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thô đã dự kiến đưa ra 5 giải pháp tháo gỡ căn cơ.
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xác định trong lúc này tiêu thụ tại thị trường nội địa là quan trọng nhất. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm định hướng sản xuất cho các địa phương, là định hướng tiêu thụ các loại nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi một cách thuận lợi.
Thứ hai, thông qua các Sở Công Thương địa phương, Vụ thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số… để quảng bá, tuyên truyền giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Từng bước xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được.
"Nên giảm 5% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh cho các lái xe, phụ xe, người lao động trong các hợp tác xã… tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhằm đẩy nhanh tiêu thụ nông, thủy sản.Các bộ ngành trung ương cần thống nhất phương thức vận tải lưu thông hàng hóa cho các địa phương".
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Thứ ba, khuyến khích hỗ trợ các ngành chế biến nông sản, thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tạo ra những thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào trong nước để giảm tải cho việc tiêu thụ các sản phẩm tươi sống phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ 4, vừa đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống như các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tạm trong lúc giãn cách; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng đồng thời chú trọng phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử…
Thứ 5, cùng với chú trọng tiêu thụ trên thị trường nội địa, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước với phương châm duy trì, mở rộng các thị trường truyền thống, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới có nhiều dư địa. Từng bước mở rộng các thị trường để không bị lệ thuộc quá nhiều vào một hay một vài thị trường.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến bổ sung cần đánh giá nông sản đến kỳ thu hoạch, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… để xây dựng phương án thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cụ thể. Đồng thời thành lập tổ công tác ở các địa phương nhằm thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm không để ứ đọng; tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt.
Bên cạnh các giải pháp xúc tiến kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, ông Bảo cho rằng, chợ đầu mối chiếm tới trên 70% sản lượng nông sản của các hợp tác xã và hộ nông dân. Vì thế, khai thông chợ đầu mối là yếu tố rất quyết định. Cho nên, cần rà soát lại và có giải pháp phòng chống dịch hữu hiệu nhằm khai thông chợ đầu mối.
Ông Bảo đề xuất, giảm 5% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh cho các lái xe, phụ xe, người lao động trong các hợp tác xã… tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhằm đẩy nhanh tiêu thụ nông, thủy sản.Các bộ ngành trung ương cần thống nhất phương thức vận tải lưu thông hàng hóa cho các địa phương.