July 09, 2023 | 18:44 GMT+7

Hàng Việt cần nâng cao chất lượng để chinh phục người Việt

Mộc Minh -

Cần nhanh chóng có cuộc khảo sát để chọn ra mô hình, điểm nhấn đặc sắc nhất đối với các mặt hàng sản xuất của doanh nghiệp Việt tại TP.HCM, nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm hàng Việt không chỉ trong khu vực TP.HCM mà cần vươn tầm ra thị trường xuất khẩu…

Bà Trần Kim Yến (áo dài tím than), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tại gian hàng sản phẩm Việt.
Bà Trần Kim Yến (áo dài tím than), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tại gian hàng sản phẩm Việt.

Tại Hội nghị tổng kết việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM năm 2022 và triển khai định hướng thực hiện năm 2023 trên địa bàn diễn ra vào chiều 07/7/2023, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, đóng cửa tạm thời, số khác tuyên bố phá sản. Đây là thách thức lớn trong công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa thói quen sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng trong nước, theo ông Nguyễn Hồ Hải, các doanh nghiệp TP.HCM cũng cần tập trung thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu trong nước và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Để tập trung tuyên truyền, xây dựng hình ảnh nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm hàng Việt không chỉ trong khu vực TP.HCM mà cần vươn tầm ra thị trường xuất khẩu, ông Hải đề nghị các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nhanh chóng có cuộc khảo sát để chọn ra mô hình, điểm nhấn đặc sắc nhất của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VP.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VP.

Là đơn vị trực tiếp phân phối hàng hoá tới người tiêu dùng, theo ông Đinh Quang Khôi, Công ty MM Mega Market Việt Nam, để giới thiệu sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng Việt, hệ thống siêu thị MM Mega Market cùng các doanh nghiệp triển khai 02 chiến dịch lớn nhất về giá trong năm 2023, khóa giá dành cho 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu… với mục đích hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.

Theo bà Trần Kim Yến, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, cần mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động từ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang "Hàng Việt chinh phục người Việt", tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống - những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân.

Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động nuôi trồng, sản xuất đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian, giá thành sản phẩm.

Đẩy mạnh tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đông công nhân..., nhằm đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng. Xây dựng và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm, thúc đẩy sản xuất. Tăng cường vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt nhanh chóng, thuận tiện...

“Thực hiện chọn lựa hàng sản xuất trong nước khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Thành phố khi mua sắm vật tư, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng”, bà Yến nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate