November 26, 2024 | 10:47 GMT+7

Hành vi phạm tội của kế toán trong vụ lập sổ sách "ảo", mua bán gần 20.000 hóa đơn khống

Đỗ Mến -

Hòa và Hương hạch toán 19.167 hóa đơn khống vào phần mềm kế toán thuế nhằm tăng chi phí, giảm thuế phải nộp. Phần chi phí mua hóa đơn khống, các phần thực thu, thực chi khác được theo dõi trên sổ kế toán nội bộ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.Có 6 bị can bị truy tố tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó có 4 bị can thuộc Công ty Thành An Hà Nội gồm Nguyễn Đăng Thuyết (tổng giám đốc, đang bỏ trốn), Nguyễn Nhật Linh (phó tổng giám đốc, vợ Thuyết), Đỗ Thị Hoa (kế toán trưởng), Nguyễn Thị Hòa (giám sát kế toán thuế, đang bỏ trốn); 2 bị can thuộc Công ty TNHH thiết bị y tế Danh gồm Nguyễn Quý Khái (giám đốc), Bùi Thị Mai Hương (kế toán trưởng). Ngoài ra, 32 bị can bị truy tố tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.

LẬP 2 HỆ THỐNG SỔ SÁCH ĐỂ MUA BÁN HÓA ĐƠN KHỐNG

Theo cáo buộc, ông Nguyễn Đăng Thuyết thành lập  và điều hành mọi hoạt động của các Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi. Ông Thuyết cũng là người chỉ đạo kế toán lập 2 hệ thống sổ sách.

Theo chỉ đạo của ông Thuyết, các bị can Nguyễn Quý Khái (giám đốc Công ty Danh), Đỗ Thị Hoa (kế toán trưởng Công ty Thành An Hà Nội), Bùi Thị Mai Hương (kế toán trưởng Công ty Danh), Nguyễn Thị Hòa (giám sát kế toán thuế Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi) lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán trên phần mềm FAST để hạch toán, kê khai, báo cáo thuế và theo dõi kết quả hoạt động kinh doanh của 3 công ty.

Hệ thống sổ kế toán nội bộ ghi nhận toàn bộ số liệu thực thu, thực chi, kết quả kinh doanh thực tế, số liệu chi không có chứng từ hợp pháp và hệ thống sổ kế toán tài chính thuế khai man số liệu để lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

Để kiểm soát dòng tiền thu, chi, ông Thuyết yêu cầu đại diện các công ty ủy quyền cho mình được ký chủ tài khoản trên các chứng từ ngân hàng của 3 công ty. Sau đó, ông Thuyết giao cho vợ là Nguyễn Nhật Linh ký chủ tài khoản. 

Đầu năm 2018 bà Linh giữ vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty Thành An phụ trách hành chính nhân sự, tài chính kế toán của cả 3 Công ty Thành An, Danh và Tràng Thi.

Tháng 1/2019, theo chỉ đạo của ông Thuyết, giám đốc 3 công ty ủy quyền cho bà Linh ký chủ tài khoản đối với các giao dịch ngân hàng và từ thời điểm này, bà Linh tham gia vào việc lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính tại 3 công ty.

Cáo buộc chỉ ra rằng, từ tháng 6/2021 đến năm 2022, mặc dù đã trốn khỏi Việt Nam, nhưng ông Thuyết vẫn thường xuyên liên lạc với vợ qua ứng dụng Viber để chỉ đạo việc lập, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán. Bà Linh không phải chỉ đạo chi tiết vì mọi việc các kế toán đã thực hiện quen từ nhiều năm trước theo kế hoạch của ông Thuyết.

Đối với kết quả kinh doanh thực tế hàng ngày được bị can Đỗ Thị Hoa kiểm soát, báo cáo cho bà Linh biết để theo dõi dòng tiền, lợi nhuận của 3 công ty.

Còn hệ thống sổ kế toán để báo cáo các cơ quan chức năng, báo cáo Thuế liên quan đến số liệu hợp đồng mua, bán hóa đơn khống được bị can Bùi Thị Mai Hương và Nguyễn Thị Hòa báo cáo ông Nguyễn Đăng Thuyết, bà Linh biết để kiểm soát nguồn tiền.

Từ tháng 9/2009, bà Linh là người duyệt “mức phí” mua bán hóa đơn khống; ký Ủy nhiệm chi chuyển tiền cho các công ty/hộ kinh doanh trên cơ sở đề nghị của bà Hòa, Hương.

Cáo buộc cho rằng, hành vi của bà Nguyễn Nhật Linh giúp sức cho chồng thực hiện việc lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính, che giấu lợi nhuận thực tế và số liệu kế toán của 3 công ty trong thời gian từ 2019- 2022, cùng ông Nguyễn Đăng Thuyết gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 498 tỷ đồng

.Bà Linh khai nhận hành vi phạm tội như nêu trên và tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 500 triệu đồng.

VAI TRÒ CỦA CÁC KẾ TOÁN

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017-2022, Hòa (giám sát kế toán thuế), Hương (kế toán trưởng Công ty Danh) mua 19.167 hóa đơn khống (mặt hàng là danh mục vật tư y tế) của 110 công ty, hộ kinh doanh với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là hơn 3.689 tỷ đồng.

Trong đó, thuế VAT là hơn 75 tỷ đồng; tổng số tiền hàng sau thuế là hơn 3.765 tỷ đồng.Tổng số tiền mua hóa đơn đã trả cho 110 công ty, hộ kinh doanh cá thể này là hơn 257 tỷ đồng.

Hòa và Hương hạch toán 19.167 hóa đơn khống vào phần mềm kế toán thuế nhằm tăng chi phí, giảm thuế phải nộp. Phần chi phí mua hóa đơn khống, các phần thực thu, thực chi khác được theo dõi trên sổ kế toán nội bộ.

Hành vi sử dụng hóa đơn khống để kê khai khấu trừ thuế GTGT gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 62,3 tỷ đồng tiền thuế GTGT.

Hành vi sử dụng hóa đơn khống để hạch toán kế toán khi làm báo cáo tài chính, hạch toán chi phí xác định số thuế phải nộp gây thiệt hại cho nhà nước hơn 680 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng cộng Nhà nước thiệt hại ngân sách hơn 743 tỷ đồng tiền thuế.

 

Trước vụ án này, ông Nguyễn Đăng Thuyết từng bị truy tố, xét xử trong vụ án thông thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC.

Khi đó, ông Thuyết có hành vi làm "quân xanh, quân đỏ" giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 55 tỷ đồng rồi hưởng lợi bất chính hơn 1,9 tỷ đồng.

Tòa tuyên phạt ông Thuyết 30 tháng tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án AIC thông thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate