Đà tăng vẫn tiếp diễn trong phiên đầu tuần nhưng biên lợi nhuận gia tăng đang tự tạo áp lực ngắn hạn kiềm chế quán tính đi lên. Độ phân hóa cân bằng hơn cũng xác nhận có lực cản khá mạnh ở vùng giá cao. Bù lại, nhu cầu bán dứt khoát không nhiều, dẫn đến thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Thay đổi tích cực trong tâm lý của nhà đầu tư cầm cổ phiếu tự thân cũng hạn chế áp lực chốt lời. Hiện tại thị trường chỉ xuất hiện những giao dịch lướt sóng hạn chế và các giao dịch đảo hàng giảm giá vốn quy mô nhỏ.
Nếu nhìn lại giai đoạn bật nảy ở tuần đầu tháng 10, thị trường phục hồi đã dẫn đến thanh khoản tăng nhanh sau đó đi kèm với giá giảm, xác nhận có hoạt động xả mạnh. Hiện thị trường cũng tăng với biên độ tốt trong 4 phiên gần nhất, nhưng giao dịch chậm và thanh khoản yếu. Hai sàn niêm yết sáng nay mới khớp được gần 5.370 tỷ đồng, giảm 23% so với sáng phiên trước và ở mức thấp nhất 5 phiên.
Đi cùng với mức thanh khoản thấp là độ phân hóa cân bằng. VN-Index chốt phiên sáng vãn tăng 0,65% so với tham chiếu, tương đương +6,96 điểm. Độ rộng ghi nhận 264 mã tăng/218 mã giảm. Diễn biến của độ rộng trên VN-Index sáng nay cho thấy thực sự có sức ép từ phía bán: Thời điểm chỉ số tăng đạt đỉnh lúc 10h10, tăng hơn 12 điểm so với tham chiếu, có tới 319 mã tăng/105 mã giảm. Đến cuối phiên số mã tăng ít đi, số giảm tăng lên nhưng không thay đổi rõ rệt, thậm chí số tăng vẫn nhỉnh hơn. Nếu sức ép bán ra thực sự lớn, biến động giá sẽ mạnh hơn và thanh khoản cao hơn.
Diễn biến dao động hẹp đi ngang sau khi thị trường đạt đỉnh buổi sáng có thể là do cách thức bán ra của nhà đầu tư có tính thụ động cao. Nói đơn giản là bên bán treo lệnh ở vùng giá cao chờ bên mua khớp lên, chỉ số không nhiều chấp nhận bán hạ giá. Do đó cung cầu vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, tạo nên thanh khoản nhỏ và giá lùi xuống không lớn. Thống kê ở sàn HoSE, mới có khoảng 40% số cổ phiếu phát sinh giao dịch bị tụt giá trên 1% so với mức cao nhất. Khoảng 20% có mức tụt giá trên 2%. Dù vậy cũng không nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản cao đột biến – thể hiện áp lực xả lớn – nổi bật có thể kể tới là VRE tụt giá khoảng 2,04% so với đỉnh, chốt giảm 1,64% so với tham chiếu và thanh khoản 59,8 tỷ đồng; KBC tụt 2,77%, đang giảm 1,41% so với tham chiếu, giao dịch 101,1 tỷ; NVL tụt 2,38% thành giảm 1,37%, giao dịch 146,6 tỷ; VCG tụt 2,5% thành giảm 0,92% giao dịch 89,8 tỷ; DXG tụt 2,72% thành giảm 0,83%, giao dịch 93,8 tỷ; VIX tụt 2,52% thành giảm 0,73%, giao dịch 145,4 tỷ.
Hiện nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 vẫn đang giao dịch tích cực nhất, chỉ số đại diện tăng 1,15% với 22 mã tăng/7 mã giảm, so với VN-Index tăng 0,65%, Midcap tăng 0,44%, Smallcap giảm 0,11%. Các blue-chips nhóm ngân hàng khá tích cực, với VPB tăng 4,8%, CTG tăng 2,14%, SSB tăng 4,32%, MBB tăng 2,59% là các trụ đỡ VN-Index tốt nhất. Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên các sàn chỉ có 5 mã giảm là MSB, KLB, TCB, PGB và OCB. Tới 12 mã ngân hàng đang tăng trên 1%. Trong rổ VN30, trừ TCB, tất cả các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều tăng.
Nhóm chứng khoán và bất động sản đang giao dịch khá yếu và bị chốt lời rõ ràng. Đây là hệ quả của biên độ tăng nhanh mấy ngày qua. SSI, VIX tiêu biểu trong nhóm chứng khoán đang giảm giá với thanh khoản lớn. Bất động sản có NVL, DIG, KBC, DXG, VCG.
Tuy vậy, dù hiện tại độ rộng thể hiện sự giằng co trên HoSE nhưng sức mạnh giá vẫn đang nghiêng nhiều về phía tăng. Cụ thể, chỉ có 59/218 mã giảm có biên độ giảm quá 1%, thanh khoản nhóm này chiếm 13% tổng khớp của sàn. Phía tăng có 77/264 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 32% tổng khớp của sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch cân bằng, mua ròng khoảng 70,6 tỷ đồng trên HoSE, gần 74 tỷ trên HNX và 51,5 tỷ trên UpCOM. Hai cổ phiếu chiếm phần lớn giao dịch mua ròng ở HNX và UpCOM là SHS +63,8 tỷ và VGV +51,6 tỷ. Tại HoSE cũng chỉ có HPG +56,9 tỷ. Bán ròng có VRE -22,1 tỷ, VIX -19 tỷ là đáng kể.