Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 5, vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg.
NHIỀU DỰ ÁN CHƯA HỀ GIẢI NGÂN
Theo đó, hằng tháng Tổ công tác số 5 có trách nhiệm kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trong các địa phương: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Có 8/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 thấp hơn bình quân chung của cả nước (so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao).
Báo cáo cho thấy kết quả giải ngân bình quân chung vốn đầu tư công cả nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
So với kết quả nêu trên, có 8/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 thấp hơn bình quân chung của cả nước so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao (31,55%).
Cụ thể, tỉnh Gia Lai đạt 23,72% là địa phương có tỷ lệ giải ngân từ đầu năm tới nay luôn thấp dưới bình quân chung cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đạt 37,57%, tỉnh Lâm Đồng đạt 37,65%, tỉnh Bình Phước đạt 38,65%, tỉnh Bình Thuận đạt 38,91%.
Còn tỉnh Đồng Nai giải ngân đạt 40,19%, Đắk Nông đạt 40,31%, Ninh Thuận đạt 40,74%, đây là các địa phương có tỷ lệ giải ngân xấp xỉ tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước.
Đến hết tháng 9/2023, tình hình giải ngân khả quan hơn, ước giải ngân đạt 49,01% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất là tỉnh Đắk Nông ước đạt 62,15% và thấp nhất là tỉnh Kon Tum ước đạt 37,65%. Ước giải ngân cả năm của 8 địa phương là 98,04%.
Tuy nhiên, "tính đến ngày 15/9/2023 vẫn còn một số dự án của 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân quá thấp, đặc biệt là các dự án có số giải ngân bằng 0", báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
XỬ LÝ VƯỚNG MẮC Ở NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CHẬM TRỄ
Cũng tại báo cáo này, Bộ Tài chính chỉ ra một số khó khăn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến khả năng giải ngân của các địa phương như: vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; vướng mắc trong công tác xác định giá đất để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp theo Luật Khoáng sản năm 2010 mất nhiều thủ tục, thời gian.
Bên cạnh đó là các vướng mắc về tổ chức, điều hành khi công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giao chậm so với thời điểm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
"Hiện tiến độ xử lý các vướng mắc cụ thể tại các địa phương như Ninh Thuận, Gia Lai rất chậm, hầu như chưa có biến chuyển trong tháng 9 vừa qua", báo cáo Bộ Tài chính đánh giá.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công những tháng còn lại của năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, thực hiện phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao, tăng cường đôn đốc và khẩn trương đề xuất phương án xử lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
Đối với các vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này, đồng thời đề xuất phương án điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn từ chương trình phục hồi và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Với các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính cho biết ngày 06/5/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế của địa phương có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Bộ Tài chính cũng đề nghị 8 địa phương, bên cạnh việc tháo gỡ ngay các vướng mắc của trung ương đòi hỏi các cấp chính quyền tại các địa phương này phải quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, sát sao, tổ chức thực hiện, bám sát tiến độ từng dự án cụ thể theo tuần mới có thể đạt được mục tiêu Chính phủ giao.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 địa phương là 45.399,858 tỷ đồng, bao gồm 15.054,418 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong nước, 999,567 tỷ đồng vốn nước ngoài và 29.345,873 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương.
Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 577,153 tỷ đồng, bao gồm 292,961 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương trong nước, 98,703 tỷ đồng vốn nước ngoài và 185,489 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương. Đến hết tháng 9/2023, tình hình giải ngân 8 địa phương khả quan hơn, ước giải ngân đạt 49,01% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước.