Ngày 26/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống tội phạm trên địa bàn 9 tháng năm 2023.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định TP Hải Phòng và 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. 3 địa phương có vị trí liền kề, tạo thuận lợi trong hợp tác cũng như cạnh tranh để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh những đóng góp tích cực về nguồn lực, vật chất, cả 3 tỉnh, thành phố còn khích lệ nhau về mặt tinh thần khi trong khó khăn vẫn đoàn kết đi lên, tạo mối liên kết vững chắc, bền chặt.
Cả 3 địa phương đều là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước với Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9,97%; Quảng Ninh đạt 9,94% và Hải Dương đạt 7,2%...
Những kết quả này cho thấy sự kết nối, nhất là kết nối trong hệ thống hạ tầng giao thông và cạnh tranh đã tạo sức phát triển mạnh mẽ của cả 3 địa phương, đóng vai trò như một “đầu kéo” cho sự tăng trưởng, phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, của liên vùng và của cả nước…
Phó Thủ tướng đánh giá cao thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đang là điểm sáng của cả nước trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến 20/9, Hải Phòng đã giải ngân 10.600 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đến hết tháng 9, tỉnh Quảng Ninh ước giải ngân 7.540 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tuy nhiên, hiện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Hải Dương khá chậm, khi đến giữa tháng 8, tỉnh mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt hơn 22% mức kế hoạch và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước…
Phó Thủ tướng nêu rõ trong lúc khó khăn nhất, Chính phủ xác định rõ đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng của các địa phương, vừa để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vì thế các địa phương phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ này.
Do vậy, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những địa phương thực hiện còn thấp như tỉnh Hải Dương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, các địa phương trong khu vực trọng điểm cần chú trọng hơn nữa đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và các loại tội phạm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế quốc tế tốt, giữ vững ổn định chính trị, nỗ lực điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư thuận lợi hơn. Đây là cơ hội để các địa phương tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nếu chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng và Hải Dương tập trung hoàn thiện việc xây dựng quy hoạch tỉnh, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của Trung ương, đồng thời bảo đảm chất lượng để sau khi ban hành không bó buộc, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư.
Về định hướng sửa đổi chính sách trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải cùng cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ những nút thắt về thể chế cho các địa phương theo nguyên tắc phân cấp tối đa cho các địa phương.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều khẳng định, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương ổn định. Các địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, 9 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của thành phố tiếp tục duy trì sự ổn định, có sự phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục "rót" vốn mạnh vào thành phố thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn thu hút 9 tháng năm 2023 ước đạt 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 72% kế hoạch thu hút đề ra cho cả năm.
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Lê Văn Bản cho biết cùng với phát triển kinh tế, địa phương tiếp tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án giao thông quan trọng của tỉnh, phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thống nhất phương án khớp nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối hệ thống giao thông trong vùng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng thi cho rằng kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của địa phương là thu hút du lịch. Cụ thể, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đón gần 9,2 triệu lượt). Về phát triển sản phẩm OCOP, địa phương tổ chức 17 hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP, thu hút sự quan tâm của gần 222.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu ước đạt khoảng 49 tỷ đồng.
Bên cạnh chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố kiến nghị một số nội dung liên quan đến giải quyết các vướng mắc trong xây dựng nhà ở xã hội, điều tiết điện, xử lý vấn đề về đất đai trong khu kinh tế, khu công nghiệp...
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, đại diện lãnh đạo bộ, ngành làm rõ một số nội dung liên quan. Cơ bản các ý kiến đều thống nhất, vướng mắc lớn nhất xuất phát từ quy định của pháp luật còn chồng chéo.