Theo tin từ CNBC, ngày 18/2, Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức trên nền tảng mạng của mình nhằm phản đối dự luật mới ở nước này.
Theo đó, các nhà xuất bản, cơ quan báo chí tại Australia sẽ không thể đăng tin tức lên trang Facebook của họ. Còn người dùng Australia cũng không thể chia sẻ và xem các tin tức, cả trong nước lẫn quốc tế, trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Trang Facebook của một số cơ quan chính phủ Australia cũng bị ảnh hưởng.
Người phát ngôn của Facebook cho biết động thái này được đưa ra nhằm phản đối việc Quốc hội Australia xem xét thông qua dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng này.
"Dự luật của Australia không công nhận bản chất cơ bản của mối quan hệ giữa nền tảng Facebook và các nhà xuất bản. Facebook không ăn cắp các nội dung tin tức mà chính các nhà xuất bản lựa chọn chia sẻ nội dung của họ lên Facebook", Campbell Brown, phó chủ tịch phụ trách đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, nhấn mạnh trong một bài đăng trên blog. "Hy vọng trong tương lai, chúng tôi lại có thể mang đến tin tức cho người dùng tại Australia".
HÀNH ĐỘNG "NGẠO MẠN" VÀ "ĐÁNG THẤT VỌNG"
Phản ứng trước quyết định của Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrison chỉ trích mạnh mẽ.
"Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook hôm nay, với việc cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là ngạo mạn và đáng thất vọng. Họ có thể đang thay đổi thế giới nhưng không có nghĩa họ điều hành thế giới", ông Morrison viết trên Facebook.
Ông Morrison cho rằng việc Facebook thể hiện sức mạnh của mình chỉ càng khiến nhiều quốc gia khác thêm lo ngại về việc các BigTech (hãng công nghệ lớn) đang có sức ảnh hưởng lớn hơn cả chính phủ và các quy tắc không thể áp dụng lên họ.
Hàng loạt trang tin tức của Australia bị chặn trên Facebook từ ngày 18/2 - Ảnh chụp màn hình
"Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi một BigTech đang muốn gây áp lực lên Quốc hội Australia liên quan tới dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức quan trọng", ông Morrison nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg gọi nước đi của Facebook là "sai trái" và "không cần thiết". Ông cho rằng quyết định của Facebook là quá nặng tay và sẽ làm tổn hại tới danh tiếng của chính họ tại Australia.
"Quyết định chặn quyền truy cập của người dân Australia vào các trang web của chính phủ - gồm các trang hỗ trợ phòng chống đại dịch Covid-19, sức khỏe tâm thần, các dịch vụ khẩn cấp, Cục Khí tượng - hoàn toàn không liên quan đến dự luật truyền thông hiện vẫn chưa được Thượng viện Australia thông qua", ông Frydenberg nói.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cũng lên tiếng chỉ trích động thái của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
"Facebook đang cản trở một cách nghiêm trọng dòng chảy tin tức tới người dân Australia", bà Elaine Pearson, giám đốc tổ chức Human Rights Watch tại Australia, nhận xét trên Twitter cá nhân. "Đây là sự việc đáng báo động và thật sự nguy hiểm. Việc cắt đứt quyền truy cập những thông tin quan trọng của cả một đất nước đang chìm trong bóng đêm là hành động vô lương tâm".
Phản hồi trước những chỉ trích này, Facebook khẳng định các trang web của chính phủ Australia sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định mới nhất của mạng xã hội này và cho biết sẽ đảo ngược lại quyết định này đối với bất kỳ trang nào vô tình bị ảnh hưởng.
NƯỚC ĐI THẤT BẠI VỀ MẶT PR?
Theo giáo sư Tama Leaver của Trường Truyền thông, Nghệ thuật Sáng tạo và Điều tra Xã hội thuộc Đại học Curtin, quyết định của Facebook gây tác động xấu tới hình ảnh của mạng xã hội này.
"Tôi cho rằng Facebook đã thất bại về mặt PR khi thi hành lệnh cấm với phạm vi áp dụng quá rộng như thế này", giáo sư Leaver nói. "Nếu mạng xã hội này muốn nhắc nhở người dân Australia rằng Facebook quan trọng thế nào, thì tôi cho rằng người Australia sẽ chỉ nhìn nhận đây là một công ty hành động mà không cân nhắc tới hậu quả đối với người dùng".
Tuy nhiên, giáo sư Leaver cũng cho rằng động thái của Facebook làm dấy lên một số lo ngại chính đáng về dự luật truyền thông của Australia.
"Facebook thực sự mang lại rất nhiều lượt xem cho các nội dung tin tức tại Australia. Vì vậy, công ty này chính đáng khi tuyên bố rằng họ đang mang lại nhiều lợi ích cho các nhà xuát bản tin tức Australia", ông Leaver nói.
Ông Leaver cho rằng cần thảo luận kỹ hơn về những giá trị tương ứng mà Facebook và các nhà sản xuất tin tức Australia mang lại cho nhau.
Quyết định của Facebook tại Australia trái ngược hoàn toàn với công ty đồng hương Google. Ngày 17/2, Google cho biết đã đạt được một thỏa thuận chia sẻ doanh thu với tập đoàn truyền thông Australia News Corp để tiếp tục hiển thị đường dẫn tin tức của tập đoàn này trên nền tảng của mình. News Corp là tập đoàn sở hữu các hãng truyền thông bao gồm The Wall Street Journal và New York Post. Trước đó, Google cũng đạt thỏa thuận tương tự với 2 tập đoàn truyền thông lớn khác của Australia là Seven West và Nine. Công ty này đang tiếp tục làm việc với đại diện AFP và AP tại Australia.
Thủ tướng Australia Morrison cho biết ông khuyến khích Facebook "làm việc tích cực với Chính phủ Australia, giống như những động thái thiện chí gần đây của Google".