December 07, 2010 | 14:38 GMT+7

Hậu Vinashin: Sẽ siết chặt quản lý vốn, tài sản nhà nước

Diệu Hương

Vụ việc Vinashin đã bộc lộ những điểm yếu trong các cơ cấu quản lý của doanh nghiệp nhà nước

Không phải lúc nào sự ưu đãi cũng được tận dụng để đảm bảo các hoạt động và chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Không phải lúc nào sự ưu đãi cũng được tận dụng để đảm bảo các hoạt động và chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Ở khía cạnh quản trị doanh nghiệp nhà nước, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam lưu ý, vụ việc về Tập đoàn Công ngghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã bộc lộ những điểm yếu trong các cơ cấu quản lý của doanh nghiệp nhà nước.

Không phải lúc nào sự ưu đãi cũng được tận dụng để đảm bảo các hoạt động và chiến lược kinh doanh hiệu quả, khi trách nhiệm và sự phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước còn chưa rõ ràng, tham luận của ông John Hendra cung cấp tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra sáng 7/12 đưa ra quan điểm.

Chia sẻ quan điểm trên, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong một báo cáo riêng phát đi từ hội nghị này cũng nhìn nhận, trong giai đoạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa qua, không khỏi có những khó khăn, vấp váp.

Vấn đề nằm ở hiệu quả, hiệu lực quản lý

Báo cáo tại hội nghị này của Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết, tính đến tháng 10/2010, cả nước đã cổ phần hóa được 3.960 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Nếu so với số liệu cuối năm 2008 là 3.836 doanh nghiệp, trong gần 2 năm qua con số doanh nghiệp được cổ phần hóa mới đạt 124 đơn vị.

“Tiến trình cải cách doanh nghiệp gần đây đã bị chậm lại”, báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do ông Simon Andrew cung cấp tại hội nghị sáng nay cũng ghi nhận điểm này.

Như vậy, tính đến tháng 10 năm nay đã có 6.140 doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa, giao, bán, khoán, giải thể, hay phá sản...

Cũng theo Ban chỉ đạo, cả nước hiện còn 1.200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tập trung ở những lĩnh vực độc quyền nhà nước, công ích, an ninh quốc phòng; những ngành, lĩnh vực bảo đảm cân đối vĩ mô hoặc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho xã hội… Qua sắp xếp, đến nay doanh nghiệp nhà nước tập trung ở những doanh nghiệp quy mô lớn với 11 tập đoàn và 87 tổng công ty nhà nước hoạt động trong các ngành quan trọng của nền kinh tế.

Nhìn nhận quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước vừa qua đã tập trung được nguồn lực, nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh, duy trì được tốc độ tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tuy nhiên Ban chỉ đạo cũng thừa nhận, quản lý khu vực kinh tế nhà nước là vấn đề khó, chưa có mô hình chung trên thế giới. Chính vì vậy, quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm không khỏi có những khó khăn, vấp váp.

Theo cơ quan này, việc mở rộng quyền của doanh nghiệp, bao gồm phân cấp trong quyết định về sản xuất, kinh doanh, đầu tư, huy động và sử dụng vốn…, chưa đi kèm với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, đánh giá của chủ sở hữu, cũng như chưa xử lý một cách kiên quyết, triệt để là một bất cập.

“Hiện còn có tình trạng trách nhiệm bị phân tán trong một số bộ nhưng lại thiếu cơ quan điều phối và hoạch định chính sách cao cấp”, Ban chỉ đạo đánh giá.

Cũng theo cơ quan này, vấn đề không phải là do kết quả của việc phân cấp, phân quyền tự chủ cho doanh nghiệp mà cần phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, công tác giám sát của chủ sở hữu nhà nước với tư cách là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Chia sẻ quan điểm trên, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, thực hành quản trị công ty tốt, và áp dụng cơ chế giám sát chặt chẽ hơn là những vấn đề mấu chốt đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhằm cải thiện phân bổ nguồn lực khi đất nước trong giai đoạn cần nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn.

Sẽ siết chặt quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước

Nhiều giải pháp dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới đang hướng đến “siết” chặt lại quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo được ông Muôn trình bày đã cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Trước mắt, sẽ ban hành nghị định về quản lý tài chính, bao gồm cả việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ nâng lên thành luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về tổ chức, sẽ thống nhất cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; phân định rõ và tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, sẽ chỉ định một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, các biện pháp thắt chặt tập trung vào tăng cường kiểm tra tài chính; đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động và chấn chỉnh tình trạng đầu tư, mở rộng ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sắp xếp, giải thể và phá sản doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước…

Ngoài ra, một loạt biện pháp cơ cấu lại cũng sẽ được tiến hành như nghiên cứu sửa đổi danh mục phân loại doanh nghiệp, thu hẹp ngành, lĩnh vực nhà nước cần giữ 100% vốn; thu hẹp tối đa diện nhà nước độc quyền kinh doanh; xóa bỏ đặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Định hướng chính sách sắp tới cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia với vai trò nhà đầu tư chiến lược thông qua việc mua cổ phần của doanh nghiệp; bổ sung phương thức cổ phần hóa, cho phép doanh nghiệp lựa chọn và đàm phán một tỷ lệ cổ phần nhất định cho nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài; bán cổ phần ưu đãi cho người lao động theo giá đàm phán bán cho nhà đầu tư nước ngoài…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate