Consumer Report, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên thẩm định chất lượng các sản phẩm độc lập, phát hiện ra rằng 99% các loại thực phẩm ở siêu thị và thức ăn nhanh mà họ thử nghiệm gần đây có chứa phthalate, một loại hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa bền hơn. Ngoài ra, 79% mẫu thực phẩm có chứa bisphenol A (BPA) - một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong sản xuất nhựa. Điều này đồng nghĩa với việc không có sự đảm bảo nào về tính an toàn của thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể.
NGĂN CHẶN CÁC LOẠI HÓA CHẤT
Tờ AFP ngày 18/9/2024 vừa qua đã trích dẫn kết quả của một nghiên cứu vừa được công bố cho biết, hơn 3.600 hóa chất được sử dụng trong bao bì hoặc chế biến thực phẩm đã được phát hiện trong cơ thể con người. Khoảng 100 trong số các hóa chất này được coi là “mối quan ngại cao” đối với sức khỏe, bà Birgit Geueke, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ Diễn đàn Bao bì thực phẩm (FPF) tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ, cảnh báo.
Trong những năm gần đây, PFAS, còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu, đã được phát hiện ở nhiều bộ phận của cơ thể con người và có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe. Các nhà nghiên cứu trước đây đã lập danh mục khoảng 14.000 hóa chất tiếp xúc với thực phẩm (FCC), có khả năng “di chuyển” vào thực phẩm từ bao bì làm bằng nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại hoặc các vật liệu khác.
Trước đó, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nauy phát hiện các hóa chất gây rối loạn hệ thống nội tiết và trao đổi chất xuất hiện rất phổ biến trong bao bì thực phẩm bằng nhựa. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ mới đây cũng đã thông báo giấy gói bỏng ngô trong lò vi sóng và bao bì thức ăn nhanh có chứa “hóa chất vĩnh cửu” Per và Polyfluoroalkyl (PFA) sẽ không còn được bày bán tại nước này.
Liên minh châu Âu (EU), một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đã thông qua dự luật bao bì mới nhằm giảm lượng rác thải bao bì. Theo dự luật này, đến năm 2026 EU sẽ hạn chế đưa ra thị trường bao bì có chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS, đến năm 2029 thu gom rác thải chai nhựa và lon hộp tối thiểu đạt 90% và từ năm 2030, EU cấm bao bì nhựa sử dụng một lần trong ngành ăn uống. Theo lộ trình này, doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào EU chỉ còn 5 năm để chuyển đổi sang loại bao bì khác thân thiện và bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore đã chế tạo thành công một loại bao bì thực phẩm mới thân thiện với môi trường và có khả năng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm gấp hai lần so với bao bì nhựa thông thường. Loại bao bì này là sự kết hợp giữa chitosan - loại polymer được chiết xuất từ vỏ của các loài giáp xác như tôm, cua… có khả năng phân hủy sinh học và chất chiết xuất từ hạt bưởi có tác dụng chống oxy hóa, khử trùng, diệt vi khuẩn, chống virus. Ngoài công dụng kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, sản phẩm này còn an toàn với người sử dụng vì không chứa các chất phụ gia hóa học.
Trong khi đó, Notpla - một công ty khởi nghiệp tại Anh, đã hiện thực hóa ý tưởng tạo ra bao bì có thể phân hủy tự nhiên, thậm chí ăn được. Ông Pierre Paslier, đồng sáng lập Công ty Notpla, cho biết công ty này đã sản xuất cốc, chai, túi đựng thực phẩm ăn được làm từ rong biển, có thể trữ nước hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, với tốc độ hiện tại, lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060, lên 1 tỷ tấn mỗi năm. Vậy nên, những giải pháp như bao bì từ tảo biển được đánh giá là rất thân thiện với môi trường...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam