Đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết nhân dịp Halloween, siêu thị GO!, BigC sẽ triển khai mức giảm sâu đến hết ngày 31/10 trên mỗi sản phẩm với mặt hàng bánh ngọt, thực phẩm tươi sống, thực phẩm xanh và hàng thiết yếu.
Với các mặt hàng bánh ngọt nhiều màu sắc mang đặc trưng của ngày Halloween sẽ giảm giá đến 34% trên từng sản phẩm và người tiêu dùng mua 2 hoặc 3 sản phẩm sẽ được tặng thêm 1 sản phẩm khác loại. Riêng các sản phẩm rau củ quả và thịt cá tươi ngon được giảm giá đến 26%. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, nạc vai, thịt mông cũng chung mức giảm 24% trên giá niêm yết.
Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, đồng loạt chương trình khuyến mại lớn "Best Seller - Hàng tốt giảm sâu" đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc đã được triển khai... Ngoài ra, Co.op Mart tiếp tục triển khai hoạt động "Đi chợ đồng giá" qua đó luân phiên giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống rau củ quả, trái cây, thịt gia cầm...
Với chương trình "Mua càng nhiều giảm càng rẻ", khách được ưu đãi mức giảm từ 36 - 43%, áp dụng cho thực phẩm khô và nước giải khát các loại. Thêm vào đó, siêu thị còn tung ra chương trình "Thương hiệu hội tụ - Deal siêu sốc". Giảm mạnh từ 40 - 50% với các mặt hàng đồ dùng nhà bếp, đồ dùng gia đình gồm bếp hồng ngoại, nồi cơm điện, nồi inox, chảo không dính, tủ nhựa, hộp nhựa/thủy tinh đựng thực phẩm…
Tương tự, từ nay đến 5/11, hệ thống siêu thị LOTTE Mart triển khai chương trình khuyến mãi “Lễ hội thành viên", thêm nhiều ưu đãi đặc quyền cho thành viên như x10 điểm tích lũy, giá cực sốc, siêu coupon siêu rẻ, đồng thời mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm nhiều sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất tại hệ thống siêu thị LOTTE Mart trên toàn quốc. Đồng thời, Lotte Mart cũng áp dụng giá cực sốc dành cho thành viên có hóa đơn mua hàng từ 400.000 đồng được mua 1 sản phẩm giá sốc.
Theo kế hoạch tháng 11/2024, Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra, sau các sự kiện khuyến mại tập trung trong tháng 5 và tháng 7/2024. Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động khuyến mại tháng 11, có nhiều chương trình khuyến mại lớn nhất năm và trở thành "đặc sản" của thành phố Hà Nội, như “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”; “Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp”; “Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ”; “Sự kiện không dùng tiền mặt”...
Để đẩy mạnh tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800 - 1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30 - 100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại. Trong Tháng Khuyến mại sẽ diễn ra nhiều sự kiện như "Lễ hội mua sắm Hà Nội - HaNoi shopping Festival", "Hà Nội siêu hội mua sắm - HaNoi Mega Sale", "Ngày Vàng Giá shock"…
Đặc biệt, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight Sale” sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến 30/11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử…
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Các chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội đã tập hợp và lan tỏa sâu, rộng hơn ý nghĩa của hoạt động khuyến mại đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế.
Từ góc độ doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), cho biết để chuẩn bị cho việc tham gia Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội, đơn vị đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh mức giảm của nhà cung cấp, Co.opmart còn triển khai mức giảm riêng, vừa hỗ trợ người tiêu dùng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động bảo đảm cung - cầu hàng hóa, liên kết, kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành, góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản đến thời điểm thu hoạch, có sản lượng lớn, cần tiêu thụ trong thời gian ngắn tại thị trường Hà Nội.
Sáng ngày 28/10, UBND TP. Hà Nội và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức khai mạc "Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất – tiêu dùng bền vững cho cơ sở làng nghề truyền thống năm 2024; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP”.
Tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 28/10/2024 đến ngày 03/11/2024 tại khu vực Quảng trường đối diện sân vận động quốc gia Mỹ Đình (đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chương trình có quy mô 133 gian hàng và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP để các du khách có thể tham quan, mua sắm.
Có thể thấy, với việc triển khai đa dạng, đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa. Đây được kỳ vọng là "đòn bẩy" mạnh mẽ để hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Năm 2025, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10 - 11%... Để đạt mục tiêu trên, kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2025.
Bên cạnh ngày hội khuyến mại diễn ra trong các tháng 5, 7 và 11, trong khuôn khổ chương trình khuyến mại tập trung năm 2025 còn diễn ra các sự kiện như: Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight sale 2025; khai mạc Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2025, dự kiến tháng 4/2025; sự kiện khuyến mại hàng hiệu tại khách sạn 4 sao trở lên hoặc một địa điểm tương đương với khoảng 100 đến 150 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, khuyến mại các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng…
UBND Thành phố yêu cầu việc triển khai Chương trình khuyến mại tập trung 2025 phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng mục đích yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Tăng cường vai trò các cơ quan, đơn vị trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, bình ổn giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2025 và các năm tiếp theo...