Từ ngày 1/9, đề án “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước 2009”của Bộ Công Thương nhằm kích thích tiêu dùng nội địa sẽ chính thức được khởi động với tổng trị giá trên 51 tỷ đồng.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã cho biết nhiều thông tin cụ thể về đề án này.
Các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước 2009 sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí hoạt động. Cụ thể Chương trình này sẽ hoạt động như thế nào, thưa ông?
Kể từ ngày 1/9, các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho các hoạt động điều tra, khảo sát thị trường về người tiêu dùng, mạng lưới phân phối và thương nhân.
Ngày 15/7/2009, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 21/2009/TT-BTC quy định việc xây dựng và hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước năm 2009. Theo đó, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước sẽ được hỗ trợ kinh phí.
Chương trình này bao gồm các nội dung như hỗ trợ năng lực cộng đồng (hoạt động điều tra, khảo sát thị trường, thông tin mạng lưới phân phối, thương nhân thực hiện vào quý 3 và 4/2009, tổ chức hội thảo và tọa đàm thực hiện vào tháng 8/2009); tổ chức hội chợ nông sản và sản phẩm làng nghề (phía Bắc vào tháng 11/2009 và phía Nam vào 3/2010); các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, khu đô thị, khu công nghiệp; hoạt động truyền thông (thời gian từ tháng 8/2009 - 8/2010).
Cũng theo Thông tư 21, các hoạt động hỗ trợ năng lực cộng đồng doanh nghiệp và truyền thông được hỗ trợ 100%. Các hoạt động tổ chức hội chợ và các đợt bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị được hỗ trợ 70% kinh phí.
Thưa ông, mục đích của các hoạt động điều tra, khảo sát về thị trường người tiêu dùng trong nước là gì?
Mục đích của các hoạt động điều tra khảo sát thị trường là nhằm cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về người tiêu dùng (thói quen tâm lý, tập quán mua sắm, nhận xét ưu, nhược điểm của hàng Việt Nam...), thông tin về thị phần của hàng Việt Nam, về hiện trạng hệ thống phân phối và về năng lực của các doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp có chiến lược, giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước, đồng thời giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đào tạo nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa cấp thiết đồng thời mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Hoạt động này được xem là khâu đột phá của Chương trình tổng thể kích cầu tiêu dùng.
Vậy, nguồn kinh phí sẽ được lấy từ đâu và phân bổ như thế nào?
Đây là đề án được Bộ Công Thương xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gọi là “Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước 2009”. Chương trình này có tổng trị giá trên 51 tỷ đồng được lấy từ ngân sách Nhà nước và do Bộ Tài chính cấp. Việc phân bổ được chia ra làm 9 gói thầu, nếu doanh nghiệp nào trúng thầu thì được sử dụng kinh phí của gói thầu đó để trang trải cho các hoạt động thương mại của mình.
Những doanh nghiệp nào được tham gia vào chương trình này và sẽ nhận được sự hỗ trợ cụ thể ra sao?
Các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật, có nhu cầu tham gia chương trình, có đề án được Hội đồng thẩm định chấp thuận, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, khi triển khai các hoạt động phải tuân theo các quy định tại Thông tư 21/2009/TT-BCT và các quy định của pháp luật có liên quan.
Về nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ năng lực cộng đồng doanh nghiệp. Gồm điều tra, khảo sát thị trường người tiêu dùng, mạng lưới phân phối và thương nhân; tổng hợp, cung cấp kết quả điều tra; tổ chức các hội thảo, toạ đàm.
Hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động truyền thông, gồm: Hoạt động truyền thông thông qua truyền hình, báo in và báo điện tử; Hỗ trợ 70% kinh phí cho tổ chức các hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam và phía Bắc, gồm: Hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Nam; Hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề phía Bắc.
Hỗ trợ 70% kinh phí cho các hoạt động bán hàng về nông thôn, các khu công nghiệp và khu đô thị, gồm: Các đợt bán hàng Việt về nông thôn; Các phiên chợ bán hàng Việt cho công nhân các khu công nghiệp; Các phiên chợ hàng Việt cuối tuần tại các khu đô thị. Các cơ quan Nhà nước không được tham gia vào chương trình này.
Theo ông, đây sẽ là một chương trình hiệu quả?
Đây là chương trình đầu tiên được thực hiện theo ý tưởng của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều kiện suy giảm kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng bị “tổn thương” dẫn đến xuất khẩu sụt giảm.
Trong điều kiện đó, để đảm bảo và duy trì được GDP tăng trưởng ở mức cho phép và hợp lý (dự kiến trong năm 2009 là 5,5%), thì đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng trong nước sẽ đóng góp một phần quan trọng.
Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu và xây dựng đề án và ban hành Chương trình này, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Theo chủ trương của Thủ tướng, nếu chương trình này thành công thì trong những năm tiếp theo chúng ta sẽ duy trì hoạt động này thường xuyên. Bên cạnh xúc tiến xuất khẩu cần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là những loại hàng hóa sản xuất trong nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate