Tại Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024, do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức, ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong 4 mục tiêu của Kế hoạch tổng thể thương mại điện tử giai đoạn 2026-2030 hướng tới.
VẪN THIẾU CƠ CHẾ PHÙ HỢP
Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đó là thách thức phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững. Hơn nữa nguồn nhân lực trong thương mại điện tử cũng khó khăn, mới chỉ khoảng 30% đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra phát triển thương mại điện tử còn thiếu đồng bộ, niềm tin của người tiêu dùng, tính bảo mật, hạ tầng chưa có…
Bà Cao Cẩm Linh, đại diện Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam, cũng cho rằng đối với hàng xuất khẩu qua thương mại điện tử thì chúng ta vẫn đang xuất khẩu qua chuyển phát quốc tế hàng lớn chứ chưa liên quan tới thương mại điện tử đúng nghĩa.
Tương tự, hàng nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam dưới con đường thương mại điện tử xuyên biên giới là chưa có. Do đó, theo bà Linh, khi xây dựng luật thương mại điện tử cần có cơ chế chính sách phù hợp thì mới phát triển được B2B và C2C. Bởi cơ chế chính sách hiện vẫn là B2B, sau đó hàng đến các nước sở tại mới là B2C.
Trước các khó khăn trên, ông Ninh cho biết Chính phủ, các bộ ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, như Nghị định 80/2021 hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tạo lập và duy trì tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, thời gian qua Bộ Công Thương tiến hành hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các khoá đào tạo về thương mại điện tử, mỗi năm từ 15-20 lớp, doanh nghiệp được tham gia miễn phí.
Thông tin thêm, PGS TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Bộ đã thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua bảo đảm hạ tầng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, chuyển đổi số, an toàn thông tin, đào tạo kĩ năng số cho người dân… Những chính sách này đều thể hiện tại Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào đầu năm 2024 về Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông Việt Nam 2021-2030, định hướng 2050.
"Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đã thống nhất sử dụng 1 hệ thống để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong quý 3/2024, hai Bộ sẽ đánh giá mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của hộ kinh doanh xem họ đang ở mức nào", TS. Tuấn chia sẻ.
Sau khi có kết quả sẽ mời các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực để hỗ trợ các doanh nghiệp về phần mềm, sử dụng nền tảng công nghệ số với những ưu đãi như hỗ trợ sử dụng miễn phí các nền tảng thương mại điện tử từ 6 đến 12 tháng hay doanh nghiệp có thế đến trực tiếp các bộ ngành, địa phương để đăng kí các gói hỗ trợ của Nhà nước về mặt tư vấn, sử dụng nền tảng số.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP BẢO HỘ, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Để thương mại điện tử xuyên biên giới thực sự phát triển tại Việt Nam, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling khuyến nghị thời gian tới, các cơ quan quản lý cần có các nghiên cứu sâu để ban hành chính sách nhằm cụ thể hoá Quyết định số 645/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 về quy hoạch phát triển thương mại điện tử 2021-2025 theo các hướng chính.
Cụ thể, trong phát triển nguồn nhân lực, phấn đấu giai đoạn 2026-2030, 70% các cơ sở giáo dục đào tạo có chuyên ngành thương mại điện tử. "Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng. Ở một số nước có trình độ phát triển thương mại điện tử trước Việt Nam 1-2 năm, họ cũng rất chú trọng vào công tác đào tạo, đặc biệt đào tạo đại học", ông Toàn nhấn mạnh.
Vấn đề nữa là sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các tổ chức, hiệp hội cho doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới trong việc bảo hộ, xây dựng được các thương hiệu của mình khi đã “cắm cờ” được ở các thị trường quốc tế. Vì doanh nghiệp mới xuất khẩu xuyên biên giới nên rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, để khi đã “cắm được cờ” ở đó thì phải bảo vệ được cờ, bảo vệ được xuất khẩu ở thị trường quốc tế.
Một điểm nữa, ông Toàn cho rằng khi Bộ Công Thương hoàn thiện Chiến lược phát triển thương mại điện tử 2026-2030 thì các hướng dẫn trong chiến lược đó càng cụ thể thì càng tốt. Cần rút ngắn được quy trình xây dựng Nghị định, xây dựng Thông tư để cụ thể hoá chiến lược.
Đặc biệt tập trung vào hướng dẫn phát triển logistics, để quy hoạch logistics gắn với hạ tầng giao thông, gắn với quy hoạch của các khu vực sản xuất.
“Nghiên cứu của Amazon với các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cho thấy hệ thống kho bãi, kho vận logistics kết nối rất gần với các khu vực sản xuất tập trung. Điều này giảm thiểu được chi phí vận chuyển hàng hoá từ người sản xuất đến nhà nhập khẩu, xuất khẩu”, ông Toàn chia sẻ.
Với doanh nghiệp, để thành công khi tham gia thương mại điện xuyên biên giới, theo ông Toàn, cần tập trung lắng nghe nhu cầu của thị trường, tức là bán những mặt hàng mà thị trường cần chứ không phải bán những mặt hàng mà doanh nghiệp có.
Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm không chỉ được khách hàng công nhận mà còn đạt được tiêu chuẩn chất lượng của thị trường mục tiêu mà chúng ta nhắm đến.
Một công thức để thành công nữa là các doanh nghiệp đều cần có sự tập trung để xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.