Phát biểu tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022 được tổ chức ngày 22/11, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, cho biết trong suốt những năm qua, Bộ Tài chính luôn chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
“Đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua", Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng nhờ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của cơ quan thuế - hải quan, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt những kết quả hết sức tích cực.
Theo đó, tổng thu thuế, phí trong nước 10 tháng năm 2022 đạt 107,2% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể nhận thấy nguồn thu từ thuế, phí ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Cũng tại hội nghị, trả lời câu hỏi của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Dịch vụ Tổng hợp Nghệ An liên quan đến việc hoàn thuế xuất khẩu nói chung và hoàn thuế xuất khẩu tinh bột Sắn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã trực tiếp trả lời các nội dung câu hỏi, vướng mắc của Hiệp hội Sắn Việt Nam về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) mặt hàng tinh bột sắn.
Theo đó, các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế VAT theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Nghệ An phối hợp và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm rõ các nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Căn cứ trên kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trường hợp nếu đủ kiện sẽ thực hiện hoàn thuế.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn bổ sung thêm, khi doanh nghiệp khó khăn, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng phải có trách nhiệm và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ai được phép làm sai quy định của pháp luật.
"Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng".
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn.
Trong khi Luật Quản lý thuế và Luật Thuế giá trị gia tăng chỉ rất rõ là có 2 loại, đó là hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau.
"Khi có rủi ro thì hệ thống sẽ tự xác định là kiểm trước hoàn sau, do vậy các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với cơ quan thuế về việc thực hiện các quy định của pháp luật", ông Tuấn cho hay.
Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử, ông Đỗ Phương Nam Kế toán trưởng Công ty cổ phần nước sạch Hà Nội nêu thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn có bảng kê.
Theo quy định hướng dẫn, bảng kê để kiểm tra, hóa đơn theo kỳ phát sinh được sử dụng bảng kê. Tuy nhiên, khái niệm “hóa đơn theo kỳ phát sinh” chưa rõ ràng nên công ty thắc mắc chi phí như chi hội nghị, hội thảo, chi phí ăn uống có được ghi theo bảng kê hay không?
Đại diện Công ty cổ phần nước sạch Hà Nội mong được hướng dẫn để tránh việc sai sót khi đoàn kiểm tra và phát hiện hóa đơn của doanh nghiệp đầu vào không đúng.
“Công ty chúng tôi gặp vướng mắc trong hóa đơn điện tử vì không biết đầu vào có kê khai đúng hay không? Bởi là doanh nghiệp nhà nước, nếu chỉ sai sót một vài lỗi sẽ ảnh hưởng xếp hạng doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong ngành thuế có công cụ để kiểm tra hóa đơn doanh nghiệp chuẩn chỉnh hay chưa để truy cập”, ông Nam chia sẻ vướng mắc.
Trả lời câu hỏi này của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Thuế ông Vũ Chí Hùng cho biết doanh nghiệp được phép dùng bảng kê và quy định cụ thể dịch vụ phát sinh như điện, nước, viễn thông, báo cáo chuyển phát, bảo hiểm… Theo đó, những dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh sẽ được sử dụng bảng kê đính kèm hóa đơn.
Cùng với đó, đối với hóa đơn có mã, doanh nghiệp có thể tra cứu trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để quản trị rủi ro. Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng phần mềm quản trị rủi ro để giúp cảnh báo cho doanh nghiệp.