November 21, 2022 | 22:54 GMT+7

Lộ diện 39 nhà cung cấp nước ngoài tự nguyện đăng ký, nộp thuế tại Việt Nam

Trâm Anh -

Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) vừa đăng tải công khai danh sách 39 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam, trong đó có 6 "ông lớn" chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới...

 6 nhà cung cấp nước ngoài Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tự nguyện kê khai và nộp thuế.
6 nhà cung cấp nước ngoài Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tự nguyện kê khai và nộp thuế.

Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) vừa ban hành Thông báo số 357/TB-DNL về việc công bố danh sách các nhà cung cấp nước ngoài hiện đăng ký thuế tại Việt Nam trên Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế tại Việt Nam.

Cục Thuế doanh nghiệp lớn cho biết việc công bố danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế tại Việt Nam được căn cứ trên cơ sở quy định tại: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các nhà cung cấp nước ngoài trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế; các nhà cung cấp ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số tại Việt Nam.

Trong thông báo này, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đăng tải công khai danh sách 39 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam. 

Lộ diện 39 nhà cung cấp nước ngoài tự nguyện đăng ký, nộp thuế tại Việt Nam - Ảnh 1

Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/3 vừa qua. Đây là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam.

Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.

 

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết hiện cả 6 nhà cung cấp nước ngoài Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đang nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Số thuế thu được từ những nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt những "ông lớn" cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tăng nhanh từ khi cổng thông tin đưa vào hoạt động. Theo đó, một số nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế lớn như Meta (Facebook) nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp gần 1.000 tỷ đồng…

Ngoài những cái tên quen thuộc, trong lần công bố công khai lần này, một số nhà cung cấp nước ngoài được Tổng cục Thuế liệt kê bao gồm: iHerb, LLC; Netflix Pte. Ltd; Tiktok Pte. Ltd; Blizzard Entertainment Inc; Educational Testing Service; Ezviz International Limited; LinkedIn Singapore Tte. Ltd…

Tổng cục Thuế cho rằng chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các người nộp thuế thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam theo đúng cam kết và các quy định của Việt Nam về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với các dịch vụ xuyên biên giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate