October 07, 2021 | 19:41 GMT+7

Hỗ trợ tiền ăn cho lao động thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”

Nhật Dương -

Mức hỗ trợ một lần tối đa 1 triệu đồng/người trong thời gian từ ngày 1/10 - 31/10…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành quyết định hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, mức hỗ trợ một lần tối đa 1 triệu đồng/người với thời gian thực hiện hỗ trợ là từ ngày 1/10 - 31/10.

Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thẩm định cấp kinh phí.

 
Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, trong thời gian tổ chức thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”  để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn. Đặc biệt có không ít những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD mỗi ngày.

Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, nhưng chưa có tổ chức công đoàn, thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp để kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để chi hỗ trợ.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.

Tính từ đầu thời điểm bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, ứớc tính, có khoảng 3,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động đã được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và qua các chương trình của tổ chức công đoàn như: “Túi an sinh công đoàn”, hỗ trợ dinh dưỡng cho công nhân lao động làm việc “3 tại chỗ,” hỗ trợ dinh dưỡng cho y, bác sĩ tăng cường tại các vùng dịch...

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính tới thời điểm tháng 8/2021, báo cáo nhanh của các tỉnh phía Nam cho thấy, đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, nhà máy thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu với lực lượng lao động lớn thì có khoảng gần 50% số doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc do để phòng chống dịch bệnh, hoặc không bảo đảm về nguyên liệu sản xuất do ách tắc giao thông hoặc không bảo đảm số lao động làm việc do phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Để bảo đảm mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất đã làm gia tăng rất nhiều chi phí của doanh nghiệp như chi phí xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, quy trình làm việc, bảm đảm giãn cách, bố trí ăn, ở của người lao động tại nơi làm việc, bố trí phương tiện vận chuyển do phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” …

Nhiều doanh nghiệp khác bắt buộc phải dừng hoạt động do chi phí sản xuất quá lớn, càng sản xuất lại càng thua lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài có thể sụp đổ hoàn toàn chuỗi sản xuất, cung ứng và thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate