February 26, 2022 | 07:00 GMT+7

Mục tiêu giải ngân hơn 50.000 tỷ đồng, ngành giao thông vận tải bứt tốc từ đầu năm

Anh Tú -

Khối lượng giải ngân hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2022 là rất lớn, Tư lệnh ngành giao thông vận tải nhấn mạnh, chúng ta không có đường lùi mà chỉ có thể tìm giải pháp bứt tốc ngay từ đầu năm...

Cuối tháng 2, số vốn giải ngân ước đạt 2.200 tỷ, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng giao.
Cuối tháng 2, số vốn giải ngân ước đạt 2.200 tỷ, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng giao.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 2/2022.

Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2022, tổng số kế hoạch vốn Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 50.300 tỷ đồng, gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.400 tỷ đồng vốn trong nước.

Tính đến cuối tháng 2, số vốn giải ngân ước đạt 2.200 tỷ đồng, tương đương 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng giao chi tiết. Kết quả giải ngân tập trung ở các dự án cao tốc, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách và các dự án trọng điểm.

MẠNH TAY ĐIỀU CHUYỂN CÁN BỘ, QUY TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Đánh giá cao các bộ phận, lĩnh vực đều bám sát, đạt nhiệm vụ, cơ bản đáp ứng chỉ tiêu, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thẳng thẳn nhìn nhận:  “Cùng một cơ chế hoạt động, một khung pháp lý như nhau, tại sao có đơn vị làm tốt, có đơn vị làm chưa tốt, đặc biệt thể hiện rõ qua công tác giải ngân”.

 

“Vấn đề này chỉ có một nguyên nhân là công tác chỉ đạo của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu tại một số đơn vị chưa tốt. Các chủ đầu tư chưa đổi mới trong tư duy và công tác quản lý, điều hành, chưa đưa ra các giải pháp tháo gỡ thật sự hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, áp lực giải ngân năm 2022 rất lớn, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư giải ngân chậm cần phải phân tích kỹ nguyên nhân, tìm hướng giải quyết.

"Khối lượng giải ngân hơn 50.000 tỷ đồng trong năm 2022 là rất lớn, chúng ta không có đường lùi mà chỉ có thể tìm giải pháp bứt tốc ngay từ đầu năm", Bộ trưởng khẳng định.

Riêng các dự án chuẩn bị đầu tư, đơn vị nào được giao phải tập trung làm, khi nào đủ điều kiện thì ký, chưa đủ điều kiện thì làm xong chờ. Nếu đợi thủ tục hành chính xong mới làm thì chưa ổn.

Nghị quyết của Quốc hội cho thực hiện song song một số thủ tục, phải vận dụng. Không chuẩn bị đầu tư thì không thể triển khai dự án, nguồn vốn sẽ tồn đọng.

“Những đơn vị giải ngân không đáp ứng yêu cầu, làm mất uy tín của ngành, Bộ Giao thông vận tải sẽ xử ngay cán bộ, điều chuyển công việc, tuyệt đối không xuề xòa”, Tư lệnh ngành giao thông vận tải cương quyết nhắc nhở.

Sốt ruột trước thời gian hoàn thiện trình duyệt nhóm dự án quan trọng quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án quan trọng quốc gia: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phải báo cáo Quốc hội trước 15/3/2022.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, toàn bộ các dự án nhóm A, nhóm B phải được phê duyệt. Trên cơ sở đó, từ nay đến ngày 15/3, phải dồn lực hoàn thiện báo cáo các dự án cao tốc phải trình Quốc hội xem xét. Từ sau ngày 15/3 đến trước ngày 20/5 phải hoàn thành trình phê duyệt các dự án nhóm B, C.

“Nếu xảy ra chậm trễ, người đứng đầu các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các Cục chuyên ngành phải tăng cường công tác tổng kết, tiến tới đề xuất sửa đổi Luật phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là 4 bộ luật: Luật Hàng không, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng hải và Luật Đường sắt. Kết quả đánh giá, tổng kết phải báo cáo lãnh đạo Bộ chậm nhất trong quý 3/2022 để sớm đề xuất các hướng sửa đổi, tạo cơ chế đột phá cho lĩnh vực.

"SỐT RUỘT" TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN KHỞI CÔNG MỚI

Trước đó, thông tin về tình hình triển khai các dự án chuẩn bị đầu tư, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trí Đức cho biết, theo thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 dự án quan trọng quốc gia, gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và 2 dự án nhóm A gồm cao tốc An Hữu-Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi.

Đồng thời, rà soát danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho từng nhiệm vụ, dự án trong 2 năm 2022-2023 và từng năm thuộc phạm vi quản lý.

“Đối với các dự án trọng điểm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp định kỳ hàng tuần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và triển khai dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đến nay, cơ bản tiến độ thực hiện 2 dự án được kiểm soát”, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức khẳng định.

Liên quan đến công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, Vụ tham mưu Bộ trưởng ban hành quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục, tổng số hơn 41.300 tỷ đồng, đạt 82,1%. Trong đó, vốn nước ngoài là 4.877; vốn trong nước là hơn 36.400 tỷ đồng.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đợt 2, Vụ Kế hoạch - Đầu tư kịp thời tham mưu Bộ trưởng có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đợt 2 khoảng 650 tỷ đồng để đẩy nhanh công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sớm trình Bộ trưởng phê duyệt theo thẩm quyền làm cơ sở tiếp tục giao vốn thực hiện cho các dự án khởi công mới”, ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Về công tác quyết toán các dự án hoàn thành, ông Huy cho biết, hiện 3 dự án, hạng mục công trình hoàn thành được phê duyệt quyết toán với giá trị hơn 4.400 tỷ đồng.

Về công tác giải ngân, tính đến cuối tháng 2, số vốn giải ngân 2.200 tỷ đồng, đạt 4,4% so với tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 5,2% kế hoạch Bộ trưởng giao chi tiết. Kết quả giải ngân tập trung ở các dự án cao tốc, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách và các dự án trọng điểm.

Điểm danh các Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân đạt tương đối cao trong 2 tháng đầu năm, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư chỉ rõ, Ban Quản lý dự án Thăng Long giải ngân đạt 9% kế hoạch vốn (603/6.830 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án Đường sắt giải ngân đạt 15% (277/1.802 tỷ đồng); Ban Quản lý dự án Đường thủy giải ngân 10% (102/930 tỷ đồng); Sở Giao thông vận tải Điện Biên giải ngân 23% (98/417 tỷ đồng).

 

"Đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các ban quản lý dự án căn cứ những mốc tiến độ đề ra, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm giải trình, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, đáp ứng mục tiêu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị.

Đối với 43/51 dự án nhóm B, C khởi công mới được duyệt chủ trương đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư làm cơ sở sớm giao kế hoạch vốn thực hiện, triển khai các công tác thiết kế, lựa chọn nhà thầu để khởi công đúng tiến độ.

Với 8/51 dự án nhóm B, C khởi công mới chưa duyệt chủ trương đầu tư, cần phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục để sớm phê duyệt.

Bao gồm 2 dự án lồng ghép nguồn vốn Quốc lộ 8C Hà Tĩnh và Quốc lộ 14B Đà Nẵng; phương án, vị trí đấu nối dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; dự án khối khác hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; dự án đường kết nối sau cảng Trần Đề và 3 dự án ODA dự kiến sử dụng nguồn vốn từ Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển (DPO) về phục hồi bền vững và bao trùm tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ quản, gồm: Quốc lộ 62 qua Long An; Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si; tuyến Nam sông Hậu…

“Với kế hoạch vốn đầu tư công chưa phân bổ khoảng hơn 8.300 tỷ đồng, Vụ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tham mưu Bộ trưởng giao bổ sung kế hoạch để thực hiện dự án ngay sau khi các dự án khởi công mới được phê duyệt đầu tư. Trong quá trình điều hành kế hoạch, căn cứ kết quả giải ngân của các đơn vị, Vụ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu Bộ trưởng điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt”, ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

 

Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải dự kiến khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án và giải ngân vốn đầu tư công cao chưa từng có. Ngoài 50.300 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, ngành giao thông vận tải còn được phân bổ khoảng 103.164 tỷ đồng tổng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ giải ngân trong hai năm 2022, 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate