Ngày 09/01, Bộ Tư pháp tổ chức Toạ đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ.
Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này.
Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung, thảo luận sâu về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí để xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam cũng như chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới...
Thứ trưởng mong rằng Tọa đàm sẽ nhận được các ý kiến thảo luận, đề xuất về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; đồng thời là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết có nhiều quan điểm về thế nào là doanh nghiệp dân tộc, nhưng theo ông, nên tiếp cận từ góc độ sở hữu của doanh nghiệp.
Nói cách khác, doanh nghiệp dân tộc không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, cũng cần xét tới các tiêu chí về lực lượng lao động; nguyên liệu trong nước; mức độ đóng góp vào nền kinh tế quốc dân; thương hiệu gắn với quốc gia; giảm phụ thuộc với doanh nghiệp nước ngoài.
Trên cơ sở đó, ông nêu ra một số điều kiện để phát triển doanh nghiệp dân tộc như: chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái nội địa mạnh mẽ, khuyến khích người tiêu dùng nội địa.
Đồng thời đề xuất một số chính sách cụ thể gồm: thúc đẩy công nghiệp hoá về giá trị gia tăng nội địa; đổi mới công nghệ và tự động hoá; đa dạng hàng hoá xuất khẩu; phát triển thương mại quốc tế; giảm phụ thuộc vào một số thị trường chính; cải thiện môi trường đầu tư và thu hút FDI; phát triển nguồn nhân lực; chính sách đảm bảo phát triển bền vững; hội nhập quốc tế, tận dụng và không vi phạm cam kết quốc tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nói đến doanh nghiệp dân tộc là phải đề cập đến những đặc trưng đó là phải do người Việt Nam làm chủ, cổ phần chủ yếu là do người Việt Nam nắm giữ, là người quyết định các đường hướng phát triển của doanh nghiệp.
Đây cũng phải là doanh nghiệp tổ chức được chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, liên kết được các doanh nghiệp trong nước với nhau, tạo ra sản phầm thuần Việt có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Để các doanh nghiệp dân tộc phát triển, theo ông, cần đổi mới cơ chế chính sách theo hướng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để họ có thể phát triển ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, về mặt tài chính, Nhà nước phải hỗ trợ, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nguồn vốn lớn với chi phí thấp.
Về mặt thể chế, cần nghiên cứu Luật Công nghiệp trọng điểm vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của quốc gia.
Về chính sách thuế, nếu doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh giá trị Việt thì thuế xuất nhập khẩu cũng phải thay đổi để có được nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ nhất.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cơ chế để ưu tiên, ủng hộ để doanh nghiệp “lớn lên”.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AQuaOne, cho rằng nên tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh và có thêm các ưu đãi về thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nước sạch.
Theo bà, doanh nghiệp dân tộc không phải được đánh giá bằng quy mô to hay nhỏ mà phải là doanh nghiệp đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình.
Vì vậy, bà mong các doanh nghiệp dân tộc sẽ tiếp tục được đánh giá, công nhận, tôn vinh trong cộng đồng doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp - gợi mở một số giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân phát triển trên cở sở tư duy mới trong xây dựng pháp luật.
Theo đó, ông cho rằng cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các vấn đề mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt; bảo đảm không gian tự do phát triển thuận lợi nhất để mọi người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân giải phóng mọi tiềm năng.
Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của chính quyền các cấp.