Nhiều đại diện Công đoàn của các ngành như: công đoàn ngành Công thương, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, Công an, Giao thông, Nông nghiệp, Ngân hàng… đã tới tham dự và thảo luận về chủ đề trên.
Theo báo cáo tại hội thảo, sau gần 30 năm thành lập, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có những phát triển về mặt qui mô, cơ cấu tổ chức và được triển khai khá bài bản trong toàn hệ thống từ các ngân hàng nhà nước đến các ngân hàng thương mại.
Về cơ bản, các hoạt động Công đoàn của ngành đã đi sát với thực tế, các hoạt động của ngành đều gắn liền giữa hoạt động chuyên môn với chủ trương của Đảng, nhà nước với đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là tính “xuyên suốt” thống nhất trong các qui định còn chưa cao, chưa phát huy được sự liên kết, phối hợp với công đoàn các ngành khác.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhận định rằng để nâng cao hiệu quả của Công đoàn thì việc triển khai xây dựng mô hình công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt là cần thiết, qua đó sẽ giúp mọi hoạt động công đoàn của các bộ, ngành phát huy tối đa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Để thực hiện việc này, rất cần Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sớm chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành công tác bàn giao các công đoàn cùng ngành, nghề về sinh hoạt theo hệ thống ngành, nghề, qua đó đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam khẳng định việc triển khai xây dựng mô hình công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt là cần thiết, giúp hoạt động công đoàn các bộ, ngành phát huy tối đa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Còn theo ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương đưa ra nhận định, nếu xây dựng được mạng lưới công đoàn ngành địa phương mạnh thì liên kết theo ngành, nghề toàn quốc sẽ có thể thu hút được những tổ chức khác của người lao động tham gia liên kết vào hệ thống công đoàn ngành.
Trên cơ sở đó đề nghị Đảng và Nhà nước cần sớm ban hành một số khuôn khổ pháp lý mới như: sửa Luật Công đoàn để làm rõ chức năng công đoàn theo ngành nghề, về các cơ chế đối thoại, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có quy định về thỏa ước lao động tập thể cấp ngành.
Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần sớm xem xét sửa đổi các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để phù hợp với các mô hình tổ chức mới của các công đoàn ngành trung ương và địa phương.
Chủ tịch Công đoàn Giao thông Việt Nam Phạm Hoài Phương đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có hướng dẫn mô hình hoạt động của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sau khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty không còn chuyên môn đồng cấp, để thuận tiện cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời cũng rất cần phải có sự thay đổi về chế độ trả lương, phụ cấp đối với cán bộ công đoàn chuyên trách nhất là khu vực ngoài nhà nước thì mới thu hút được người giỏi chuyển sang làm cán bộ công đoàn chuyên trách.
Mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn theo hệ thống ngành nghề, tập trung, xuyên suốt là mô hình chủ yếu của công đoàn các nước có nền kinh tế phát triển với đặc trưng ngành nghề rõ rệt, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của tổ chức công đoàn trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới…