Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Anuga được tổ chức 2 năm/lần là một trong những hội chợ lớn và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Hội chợ Anuga năm nay là hội chợ lớn nhất từ trước đến nay xét về tổng diện tích sàn trưng bày tại trung tâm hội chợ Koelnmesse tại thành phố Cologne. Hội chợ diễn ra từ ngày 7 - 11/10/2023.
Hội chợ năm nay nhận được sự chào đón, quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, là một cơ hội rất tốt để quảng bá cho ngành thực phẩm nói chung của Việt Nam. Tham gia hội chợ lần này, đoàn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với trên 80 doanh nghiệp, trong đó có hơn 60 gian hàng trưng bày các sản phẩm chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Trong đó, điểm nhấn của khu gian hàng Việt Nam tại Anuga 2023 là sự góp mặt của các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Có 4 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam tham gia Hội chợ năm nay, là: Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới (Vietcoco), Công ty Cổ phần Thực phẩm Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Bột Thực phẩm Tài Ký, Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi. Cả 4 doanh nghiệp đều được ưu tiên trưng bày ở những vị trí đẹp nhất trước gian hàng Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt thương hiệu quốc gia để khi tham gia hội chợ, các doanh nghiệp không chỉ tìm bạn hàng mà còn nắm bắt được xu hướng của thị trường thế giới trong năm nay và nhiều năm nữa.
Năm nay, Anuga 2023 có chủ đề "Chuyển đổi xanh". Đó cũng là xu hướng tiêu dùng lúc này của người dân châu Âu, chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thịt cá, ưa chuộng thực phẩm tự nhiên hoặc chế biến theo cách truyền thống, thân thiện môi trường. Cụ thể, hội chợ năm nay xác định 7 xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống: Tăng đạm thực vật, giảm đạm động vật, giảm phụ gia nhân tạo kể cả đường và muối, đồ ăn nhẹ ăn vặt lấn lướt thậm chí thay thế bữa ăn, quay về với ngũ cốc truyền thống và đóng gói bằng các chất liệu thân thiện môi trường.
Dù thị trường thực phẩm châu Âu vừa trải qua một năm bất thường, lạm phát kéo giá thực phẩm lên cao, một số dòng sản phẩm bán kém đi, nhưng may mắn thay những biến động đó đã không tác động nhiều tới nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: "Thị trường rau quả nói chung và đặc biệt là thị trường xuất khẩu rau quả đi châu Âu nói riêng vẫn ổn định và với công ty chúng tôi vẫn tăng 30 - 40%. Chúng tôi xuất khẩu rất nhiều loại rau quả của Việt Nam như là chanh leo, dứa, các loại rau quả khác, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, xoài..."
Bà Thi Van Ruhland, Giám đốc phân phối của Vietcoco tại Đức cho biết, đến với Anuga 2023, Vietcoco giới thiệu loạt sản phẩm nước dừa tươi, sữa dừa, nước cốt dừa, snack dừa… với chủ đề “Nhãn sạch”. “Vietcoco tự hào cung cấp các sản phẩm hữu cơ và đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic của EU. Nước dừa Vietcoco thích hợp cho trải nghiệm ăn chay, không thêm đường, hàm lượng chất béo và đường thấp, giá trị năng lượng rất thấp. Những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu rất quan tâm đến sức khỏe nên đã chuyển hướng ưa thích sang các sản phẩm tự nhiên thay thế cho caffein và đường, nước tăng lực”.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), người dẫn đầu đoàn 17 doanh nghiệp mang sản phẩm đến trưng bày, giao dịch tại Hội chợ Anuga 2023, cho biết việc tham dự các hội chợ chuyên ngành về thực phẩm, đặc biệt là tại thị trường châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục tìm các hướng đi mới trong cách tiếp cận đối tác, hướng tới xây dựng thương hiệu ngành hồ tiêu và gia vị bền vững.
“Đức là một thị trường khó tính, yêu cầu cao nhưng là thị trường tiềm năng để làm thương hiệu và từ đó mở rộng ra cả khu vực châu Âu. Đây là một yêu cầu cần thiết và chín muồi trong thời điểm hiện nay để doanh nghiệp thực hiện được chiến lược phát triển bền vững ngành hàng để khẳng định uy tín và phát triển thương hiệu,” bà Liên nói.
Đồng tình, CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng nhận định: “Muốn xuất khẩu, đưa hàng Việt vào nhiều quốc gia, mình phải đến tận nơi, tiếp xúc các khách hàng để tìm hiểu nhu cầu của họ. Nhờ tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại, sản phẩm của Dh Foods nay đã xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Đức, Nga… Đặc biệt thị trường Nhật và Hà Lan tăng trưởng 30-50%/năm. Có những sản phẩm phải kiểm định hơn 1.000 chỉ tiêu, liên tục điều chỉnh mẫu thử để thuyết phục đối tác, hiện chúng tôi tự hào vì sản phẩm Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tốt và được bạn bè thế giới công nhận”.
Theo giới chuyên gia, EU là một thị trường có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, môi trường, xã hội, lao động... Đặc biệt, hàng hóa cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp với đối tác nhập khẩu tại EU. Để phát triển được thương hiệu với thị trường EU, đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường, thấu hiểu văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: "Nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh của các thị trường lớn như EU thì khoảng độ 3 - 5 năm nữa chúng ta dù có sản phẩm tốt, có mẫu mã tốt cũng rất khó hoặc không thể xuất khẩu vào EU, Nhật Bản hay Mỹ. Chính vì vậy, Cục Xúc tiến thương mại cũng rất chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế, các hệ thống có chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh để nhằm tư vấn giúp cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh một cách hiệu quả".