November 01, 2021 | 11:04 GMT+7

Hội chứng FOMO và những rủi ro khi tham gia thị trường game NFT

Nhĩ Anh -

Thị trường hiện đang ở giai đoạn cuối hai năm tăng bùng nổ và có thể từ nay đến nửa đầu năm 2022 sẽ có sự điều chỉnh giảm tương đối mạnh. Đây là cảnh báo với những người tham gia đầu tư vào không chỉ lĩnh vực game NFT mà cả Cryptocurrency, bởi hai  thị trường này luôn đi cùng nhau và theo Bitcoin. Khi Bitcoin đã đạt đỉnh và đi xuống thì toàn bộ thị trường sẽ xuống theo...

Ông Đặng Vương Anh, Chuyên gia cố vấn ứng dụng Blockchain của Công ty cổ phần công nghệ NTQ Solution, chia sẻ  với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về xu hướng phát triển của thị trường và việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Đặng Vương Anh
Ông Đặng Vương Anh

Đối với thị trường tiền mã hóa, chu kỳ thị trường phát triển rất ngắn theo dạng xoắn ốc, thường là hai  năm tăng, hai năm giảm và thị trường hiện tại đang ở giai đoạn cuối hai năm của chu kỳ tăng. Ở mỗi chu kỳ tăng trưởng đều có những câu chuyện để đẩy giá thị trường. Điển hình như hiện nay là game NFT và có thể sắp tới, trend mới sẽ là công nghệ “thế giới ảo” Metaverse.

Dòng vốn đầu tư đang dồn vào game NFT. Và mục tiêu khi một số ông lớn công nghệ tạo ra Metaverse là để lấy lại sự cân bằng, hút nguồn vốn vào xu thế mới này.

Đầu tư vào game NFT là cuộc chơi tài chính, theo trend. Theo chuyên gia này, đối với thị trường Crypto, vẫn rất tiềm năng và việc đầu tư làm nghiêm túc, bài bản, tử tế vẫn có thể kiếm được lợi nhuận rất tốt.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thị trường hiện đang ở giai đoạn cuối hai năm tăng bùng nổ và có thể từ nay đến nửa đầu năm 2022 sẽ có sự điều chỉnh giảm tương đối mạnh. Đây là cảnh báo với những người tham gia đầu tư vào không chỉ lĩnh vực game NFT mà cả Cryptocurrency, bởi hai  thị trường này luôn đi cùng nhau và theo Bitcoin. Khi Bitcoin đã đạt đỉnh và đi xuống thì toàn bộ thị trường sẽ xuống theo.

Chính những yếu tố này đang tạo ra tình trạng đầu cơ, đẩy thị trường nóng hơn và mức độ biến động giá khủng khiếp hơn rất nhiều.

Thực tế hiện đang có nhiều nhà đầu tư F0 nhảy sang kênh đầu tư mới nhưng theo chu kỳ thì đã muộn và sẽ không phải là người “đu đỉnh” trong giai đoạn tới. Khi thị trường đã quá nóng, nhà đầu tư nên quan sát chứ không nên nhảy vào. Hoặc nếu có thì cũng chỉ tham gia ở mức độ vừa phải, rất ít để cảm nhận thị trường, chứ không nên dồn hết lực vào giai đoạn này, ông Đặng Vương Anh đưa ra lời khuyên.

Khi để ý quan sát, nhà đầu tư sẽ biết được thời điểm khi thị trường giảm sẽ có cơ hội để tham gia. Tuy nhiên, đáng lẽ phải mua đáy, bán đỉnh, mua lúc giảm bán lúc tăng thì hiện nay, trước sức nóng của thị trường, nhiều người lại làm ngược lại, theo số đông.

Không chỉ nhà đầu tư Việt Nam mà nhiều nước khác đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý hội chứng sợ mất cơ hội (FOMO- Fear of Missing Out). Đối với thị trường Cryptocurrency, chu kỳ chỉ hai năm là có thể đang từ đỉnh sẽ xuống đáy. Khi nhà đầu tư tham gia đầu tư có lãi mà không biết vì sao mình lãi sẽ rất nguy hiểm và sẽ giống như đánh bạc.

Câu chuyện của một dự án NFT có tên Evolved Apes khi nhà phát triển ôm tiền bỏ trốn là bài học về chuyện nhà đầu tư sợ mất cơ hội (FOMO) nên tham gia vào một thị trường đang phát triển quá nóng. Vì sợ mất cơ hội, nóng vội mà không tìm hiểu kỹ lưỡng mình đang đầu tư cái gì.

Trên thị trường có hai loại nhà phát triển dự án, gồm: ẩn danh và public thông tin. Theo ông Đặng Vương Anh, các nhà đầu tư nên tham gia vào các dự án có đội ngũ team lộ danh, public thông tin. Đây là những dự án mà team đã đặt cược uy tín của mình khi xây dựng và phát triển game. Còn với những dự án như Evolved Apes hoàn toàn ẩn danh, nhà đầu tư không biết đội ngũ phát triển là ai. Chính điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhà phát triển lừa đảo, rút vốn, ôm tiền của người đầu tư. 

Để hạn chế tình trạng trên, chuyên gia cho rằng yếu tố cốt lõi nhất vẫn nằm ở phía nhà đầu tư cần phải sáng suốt, tìm hiểu kỹ lưỡng về dự án, team phát triển, các quỹ tham gia đầu tư…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate