September 20, 2022 | 15:28 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục: Nhiều cam kết hỗ trợ cho giáo dục Việt Nam

Đỗ Như -

Ngày 19/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn đại biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ. Hội nghị do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục

Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục với mục tiêu chung là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục và 2 mục tiêu cụ thể: Tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có - đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).

Hội nghị có 4 phiên thảo luận với các chủ đề: Đảm bảo việc phục hồi hoàn toàn sau sự gián đoạn giáo dục do đại dịcsh Covid-19; Xác định các chuyển đổi và đòn bẩy chiến lược chính để tái thiết nền giáo dục cho thế kỷ 21 và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu giáo dục chung; Đảm bảo nguồn tài chính công cho giáo dục được tăng cường và bền vững hơn; Khơi dậy tham vọng về chỉ tiêu và các tiêu chuẩn của giáo dục quốc gia hướng tới SGD4.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn có các cuộc gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ; Giám đốc Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng thế giới (World Bank); đại diện Tập đoàn Microsoft và Đại học New York…

CAM KẾT HỖ TRỢ VIỆT NAM THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC

Tại cuộc gặp ông Rick Herrmann, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn Microsoft đã có những hỗ trợ tích cực cho Việt Nam nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng cũng chia sẻ một số nét chính về tình hình giáo dục Việt Nam và đề xuất một số nội dung mong muốn phía Microsoft tiếp tục hỗ trợ trong giai đoạn tới.

Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa chương trình “Sóng và máy tính cho em” để các trường học, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trường vùng khó khăn có thể tiếp cận công nghệ trong giáo dục; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin và gắn kết với các trường đại học trong quá trình đào tạo và thực hành đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

Microsoft xem xét khả năng hỗ trợ và hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy Chuyển đổi số trong giáo dục, hợp tác phát triển mô hình Đại học số. Có chính sách ưu đãi hoặc miễn phí cho giáo dục Việt Nam sử dụng các nền tảng, sản phẩm của Microsoft (như office 365, surface).

Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Rick Herrmann ủng hộ các đề xuất của đoàn và cam kết sẽ có những chiến lược triển khai phù hợp.

HOA KỲ SẴN SÀNG LÀ ĐỐI TÁC VỚI BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VIỆT NAM

Tại cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ Miguel Cardona, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng và Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ đã có những hỗ trợ kịp thời, quý báu giúp cho Việt Nam đối phó với đại dịch Covid-19. Chính phủ Hoa Kỳ đồng thời có những chương trình học bổng tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam được theo học các trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ. Nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục Việt Nam cũng được Chính phủ Hoa Kỳ triển khai trong thời gian qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Hoa Kỳ là một trong số những đối tác trọng tâm trong hợp tác về giáo dục. Kết quả của sự hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua là rất đáng ghi nhận, thể hiện qua một số con số như: có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường phổ thông và đại học của Hoa Kỳ; khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học của Hoa Kỳ với các trường đại học của Việt Nam đang được thực hiện tại Việt Nam; 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam…

Cùng với đó, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được thành lập năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện quan trọng, đánh dấu hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. FUV được xem là trường đại học phi lợi nhuận theo mô hình Hoa Kỳ đầu tiên của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đồng thời đưa ra một số đề xuất hợp tác trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ trưởng mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học (đào tạo, nghiên cứu, kiểm định chất lượng) và giảng dạy tiếng Anh; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng mở phân hiệu hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục; quan tâm đến các du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Miguel Cardona cũng cho biết, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ luôn sẵn sàng là đối tác với Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; đảm bảo rằng các cơ quan thuộc ngành Giáo dục Hoa Kỳ sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam cũng như chia sẻ một số chiến lược giáo dục của Hoa Kỳ. Đồng thời, thúc đẩy việc hỗ trợ sinh viên Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội theo đuổi học tập, cũng như các em học sinh, sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ Miguel Cardona cũng khẳng định, giáo dục đại học mang đến cơ hội cho sinh viên mở cửa ra thế giới. Vì vậy, Hoa Kỳ luôn chú trọng đến việc nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và đảm bảo mang lại sự phát triển chính sách cho sinh viên có điều kiện học tập, sinh sống tại Hoa Kỳ cũng như đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng giáo dục. “Trên tinh thần đó, tôi rất vui và mong muốn tiếp tục hợp tác với Giáo dục Việt Nam”, Bộ trưởng Miguel Cardona khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi trong cuộc làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi trong cuộc làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

NHIỀU ƯU TIÊN CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM SẼ ĐƯỢC NGÂN HÀNG THẾ GIỚI HỖ TRỢ

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với ông Jaime Saavedra - Giám đốc phụ trách giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng trao đổi về những ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng các mục tiêu của Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực; tầm nhìn và chương trình nghị sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tăng cường giáo dục mầm non; những ưu tiên chiến lược đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát triển giáo viên; các ưu tiên và mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục cho các nhóm yếu thế...

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có cuộc làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Tại đây, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã thông tin tới Bộ trưởng về tỉnh hình hợp tác của Việt Nam với Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Phái đoán đã tích cực tham gia hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục. Thông tin tới Phái đoàn về tình hình giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn, Phái đoàn sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ và các nước Liên Hợp Quốc.

Trong đó, tiếp tục hỗ trợ cán bộ, giáo viên đi đào tạo tại nước ngoài theo các Đề án của Chính phủ Việt Nam; quan tâm tới du học sinh Việt Nam tại Mỹ trong việc học tập, việc làm...; hỗ trợ các trường đại học, phổ thông của Việt Nam liên kết với các trường của Hoa Kỳ; hỗ trợ các nhà khoa học của Việt Nam sang làm việc và phối hợp nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng như mời các giáo sư hàng đầu của Hoa Kỳ sang Việt Nam làm việc, nghiên cứu; nghiên cứu các chính sách thúc đẩy giáo dục tại các nước trong Liên Hợp Quốc để tham mưu cho Đảng, nhà nước có những chính sách phù hợp với Việt Nam…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate