Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 0,28 triệu- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ước tính hơn 30% lượng rác thải tại Việt Nam được thu gom nhờ lực lượng lao động phi chính thức, mà trong đó phụ nữ chiếm phần lớn. Có thể nói, lao động nữ làm nghề ve chai, thu gom rác thải chính là những chiến binh xanh thầm lặng trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường.
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA HÀNH TRÌNH HỒI SINH RÁC THẢI NHỰA
Ngày 18/10, Unilever Việt Nam cùng VietCycle tổ chức “Lễ tôn vinh những Chiến binh xanh: Tiếp bước tương lai– Văn minh với rác” để tổng kết chặng đường của Dự án “The Plastic Reborn- Hồi sinh rác thải nhựa” được khởi xướng từ 2021.
Dự án "Hồi sinh rác thải nhựa” đã xây dựng được một hệ thống thu gom phế liệu bền vững với sự tham gia của hơn 3.000 lao động ve chai trong suốt 3 năm qua.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng cộng đồng 12,7 nghìn người thu gom ve chai, xây dựng hệ thống thu gom và tái chế trên 80 nghìn tấn rác thải nhựa.
Các "Chiến binh xanh" của Dự án cũng đã có những chia sẻ về tác động tích cực của chương trình. "Khi tham gia chương trình, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết công việc của mình là một phần quan trọng của tương lai và xã hội. Lần đầu tiên, chị em chúng tôi được học hỏi cách thức phân loại rác thải và được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động trong quá trình thu gom rác thải nhựa", một trong các Chiến binh xanh chia sẻ.
Số liệu trong 2 năm đầu triển khai chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” cho thấy hơn 20.000 tấn rác thải nhựa được phân loại, thu gom và tái chế; hơn 150 cơ sở thu gom rác thải nhựa được thành lập.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm phát thải 152-454 triệu tấn carbon mỗi năm, đồng thời thông qua chương trình thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội, TP.Hồ chí Minh và mở rộng các tỉnh thành trên toàn quốc.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định Chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” là một minh chứng cho thấy sự quan tâm, ghi nhận vai trò và những đóng góp của các chị phụ nữ thu gom phế liệu trong chuỗi giá trị quản lý chất thải và cho công tác bảo vệ môi trường.
Còn bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam hoan nghênh sáng kiến “Plastic Reborn- Tái sinh Nhựa”. "Dự án không chỉ tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa mà còn trao quyền cho những người ve chai", bà Nyamayemombe cho biết.
LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG NỮ GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG HÀNH TRÌNH HỒI SINH RÁC THẢI NHỰA
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ 9% được tái chế. Vì vậy, ngày 02/03/2022, tại Hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc, các Bộ trưởng môi trường thế giới đã thông qua các nghị quyết quan trọng tạo nền tảng để xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Vai trò của những người làm trong khu vực phi chính thức đã được công nhận trong một nghị quyết môi trường.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều chính sách mới thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên, tăng cường phân loại, tái chế chất thải, giảm thiểu rác thải nhựa.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 chính thức có hiệu lực, với kỳ vọng các chính sách bảo vệ môi trường sẽ được thực thi, dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thể hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Đến nay, ngành công nghiệp tái chế vẫn manh mún, lạc hậu, không được hỗ trợ chính sách. Nhiều doanh nghiệp tái chế đang rất khó khăn, lúng túng trong đầu tư công nghệ, đổi mới quy trình xử lý rác thải, đáp ứng tiêu chuẩn.
Đặc biệt, với yêu cầu bắt buộc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước từ ngày 31/12/2024; các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn sẽ là một bước tiến lớn tạo ra cơ hội cho những doanh nghiệp, lao động thu gom, tái chế chất thải. Điều này đồng nghĩa với việc công nhận những giá trị đem lại của nhóm lao động phi chính thức và nâng cao sinh kế cho các nhóm lực lượng lao động này.
"Thực tế cho thấy, lao động nữ phi chính thức đang góp phần tích cực trong giảm lượng chất thải thải ra môi trường thông qua hoạt động thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế sử dụng túi nilong khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần; thu gom và mua bán phế liệu. Chính vì vậy trong thời gian qua, chính quyền cũng đã phối hợp với Hiệp hội phụ nữ các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp để từng bước đưa ra các chính sách an sinh xã hội, tạo môi trường lao động an toàn, tốt đẹp hơn cho nhóm lực lượng lao động nữ phi chính thức", ông Trung nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần VietCycle, khi việc phân loại rác tại nguồn chưa tốt, ý thức người dân chưa cao, thì vai trò của các nữ lao động ve chai trong thu gom, phân loại và đưa rác thải nhựa quay lại nền kinh tế tuần hoàn; qua đó sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng là vô cùng cần thiết.
"Chúng tôi nhận thấy rằng, chính những người phụ nữ này đã đóng góp một phần không thể thiếu trong sứ mệnh bảo vệ môi trường," ông Tuấn chia sẻ. "Họ không chỉ là người thu gom rác, mà còn là những người mang lại hy vọng cho nhiều gia đình, là những người có ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là những người phụ nữ mạnh mẽ, là những anh hùng thầm lặng trong công cuộc thu gom rác thải, góp phần làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng sạch đẹp hơn."
DOANH NGHIỆP NỖ LỰC THÚC ĐẨY CHIẾN LƯỢC TUẦN HOÀN NHỰA
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong việc chống chất thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần gây ra, trong thời gian qua, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã có nhiều sáng kiến, hành động thiết thực, hiệu quả.
VietCycle đã xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét- một hệ thống quy trình khép kín từ thu gom, phân loại đến tái chế rác thải nhựa bao gồm hàng trăm lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp và hàng vạn lao động thu gom, phân loại và tái chế trên cả nước. XanhNét tạo thành 1 chuỗi giá trị cùng chia sẻ lợi ích, hộp nhập khối lao động phi chính thức, từng bước tăng thêm thu nhập cho các chị em ve chai.
Tính đến nay, XanhNét đã xây dựng được mạng lưới thu gom bao gồm hơn 7.000 Chiến binh Xanh, và đồng hành cùng Unilever triển khai các hành động thiết thực hỗ trợ những người phụ nữ yếu thế, giúp cuộc sống của họ tốt đẹp hơn thông qua hỗ trợ tài chính cũng như nâng cao năng lực làm nghề, góp sức biến rác thải thành tài nguyên, lan tỏa khát vọng “Vì một Việt Nam văn minh với rác”.
VietCycle cam kết cùng Chính phủ Việt Nam giảm 90 triệu bao bì nhựa và 54 triệu kg khí thải carbon vào cuối năm 2027.
Unilever hiện đang thúc đẩy chiến lược tuần hoàn nhựa qua hai hoạt động trụ cột là: thu gom rác thải nhựa và phát triển bao bì bền vững, hướng đến hoàn thành cam kết không phát thải đến năm 2039; đồng thời cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống cho lao động nữ phi chính thức về thu gom rác thải.
Phong trào tái chế rác thải nhựa không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu nhựa cho Unilever, mà còn hướng đến mục tiêu to lớn hơn: góp phần bảo vệ môi trường, vì một Việt Nam xanh hơn.