Chuỗi triển lãm quốc tế và hội thảo chuyên ngành công nghiệp nhựa và cao su (VietnamPlas 2024) diễn ra từ 16– 19/10/2024, tại TP.HCM thu hút hơn 1.100 gian hàng của 700 đơn vị đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Bỉ, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Iran, Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Úc, Việt Nam và Ý.
Ban tổ chức cho biết đây là diễn đàn giao lưu, tiếp cận công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp nhựa, cao su, là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến và thay đổi công nghệ mới, góp phần phát triển sản xuất theo hướng tự động hóa, kỹ thuật số hoá và chuyển đổi xanh bền vững. Những mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng liên quan đến sự tích tụ chất thải nhựa trong môi trường tự nhiên đã dẫn đến nhu cầu xây dựng chiến lược quản lý và tái chế các sản phẩm từ nhựa.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 0,28 triệu- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Việt Nam gần đây nổi lên như một trung tâm sản xuất nhựa trong khu vực, ngành công nghiệp nhựa trong nước sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng toàn cầu và trở thành một nhân tố quan trọng trong nỗ lực cung cấp các giải pháp mới cho ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển khi quy định EPR (Extended Producer Responsibility- Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trong tuân thủ quy định tái chế sản phẩm, bao bì có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp, sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Ông Hùng cho rằng những tiến bộ trong công nghệ tái chế nhựa và nhựa sinh học khẳng định cam kết trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm làm từ nhựa và tài nguyên từ chất thải nhựa.
Trước đó, tại diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”, do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ ra: hàng năm trên thế giới có hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường.
Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa và phần lớn trong số đó là có túi nylon. Tính trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 01 kg túi nylon/tháng; hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…
Đây đã và đang là một thực trạng nhức nhối, bài toán nan giải cho các nhà quản trị vĩ mô, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và trên hết là người dân vì áp lực “chung sống với rác nhựa”, trong khi đó việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế.
Theo tính toán, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8- 12% chất thải rắn sinh hoạt; nhưng chỉ có khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hay thải ra ngoài môi trường. Điều này dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương...
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa được xác định là phương cách hữu hiệu giúp quản lý chuỗi/quy trình sản xuất, lưu thông/phân phối, sử dụng, tái chế, tiêu hủy theo chu trình khép kín; kết hợp áp dụng quy định EPR đối với doanh nghiệp được xem là “chìa khóa” giải quyết bài toán về tái chế nhựa, cao su và các sản phẩm từ nhựa, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động hiệu quả.
Trong khuôn khổ VietnamPlas 2024 đã diễn ra chuỗi hội thảo chuyên ngành tập trung vào các thách thức môi trường mà ngành nhựa và cao su đang đối mặt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng những đổi mới thúc đẩy tính bền vững trong ngành nhựa và cao su như: Vật liệu composite xanh, giải pháp tái chế sau tiêu dùng (PCR), Nhựa phân hủy sinh học và có nguồn gốc sinh học,...
Diễn ra từ 16– 19/10/2024, VietnamPlas 2024 giới thiệu các giải pháp tái chế bền vững với loạt sản phẩm đa dạng, từ máy ép phun tiên tiến, dây chuyền ép đùn hiện đại đến máy thổi màng cải tiến, máy làm túi cơ khí chính xác, máy trộn hiệu suất cao, máy cắt công nghiệp, máy nén, nguyên liệu chất lượng và phụ gia chuyên dụng. Những công nghệ này phù hợp với nhu cầu của Việt Nam nâng cao khả năng sản xuất tiên tiến và thực hành bền vững trong ngành nhựa và cao su.
Chuỗi sự kiện đã thu hút các công ty hàng đầu thế giới như: BKS S.A. của Bỉ; Motan Holding GmbH, KraussMaffei (Lotus Greentech), Windmöller & Hölscher KG của Đức; Planet Asia của Singapore; Arya Sasol Polymer và Jam Petrochemical của Iran, đại diện cho khu vực Trung Đông; Mixron SRL của Ý; S.H.I. Plastics Machinery, Sakai Chemical và Yamamoto Trading của Nhật Bản; Shinchang Precision và Han Men M3 Vina của Hàn Quốc; CMIC, Haitian, Silstar, Yizumi và LK Injection của Trung quốc…
Ngoài ra còn có các doanh nghiệp Việt Nam như Kim Minh, Công nghệ Topstar Quảng Đông, Công nghệ vật liệu mới Yong Ying, Tân Huy Thịnh được nhận định có nhiều kỳ vọng trong trong kiếm đối tác, cơ hội, xúc tiến thương mại…