Tại hội thảo tổng kết Dự án: “Phục hồi sinh kế sau Covid-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức ngày 20/7/2024, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho biết Dự án đã tập trung hỗ trợ các nữ nông dân nghèo, cận nghèo và phụ nữ khuyết tật để họ không chỉ khắc phục những ảnh hưởng ngay sau đại dịch, mà còn thúc đẩy khả năng thích ứng với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai
ĐÀO TẠO KỸ THUẬT VÀ KỸ NĂNG SINH KẾ NÔNG NGHIỆP
Dự án “Phục hồi sinh kế sau Covid-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” được triển khai tại 6 xã: Phú Gia, Phú Diên, Giang Hải, Vinh Hưng, Phong Chương, Điền Hương thuộc ba huyện: Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền, từ ngày 1/9/2023 đến ngày 31/7/2024, với kinh phí hơn 4,94 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ, trong đại dịch Covid-19, phụ nữ và trẻ em gái là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này không chỉ là thực tế ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Họ vừa thiếu hỗ trợ về nguồn lực, vừa hạn chế trong khả năng tự chủ sinh kế, đồng thời gánh trên vai nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình.
"Trong Dự án này, chúng tôi tập trung hỗ trợ các nữ nông dân nghèo, cận nghèo và phụ nữ khuyết tật để họ không chỉ khắc phục những ảnh hưởng ngay sau đại dịch, mà còn thúc đẩy khả năng thích ứng với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Dự án đã hỗ trợ phụ nữ nâng cao khả năng lập kế hoạch sinh kế bền vững, khả thi cho hộ gia đình, và thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội”, bà Hoa nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sau gần một năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ hiệu quả cho 1.511 nữ nông dân nghèo và cận nghèo, trong đó có 221 người khuyết tật, giúp họ và gia đình phục hồi và phát triển sinh kế bền vững.
Các nữ nông dân đã tham gia 30 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của họ. Trong số đó, 1.000 phụ nữ nông dân đã được hỗ trợ tiền mặt trực tiếp với số tiền 3,2 triệu đồng/người để phục hồi sinh kế. Khoản hỗ trợ tài chính này được cung cấp theo kế hoạch phục hồi sinh kế của hộ gia đình đã được dự án thẩm định về tính khả thi khi triển khai.
"Trong số đó, 1.000 phụ nữ nông dân đã được hỗ trợ tiền mặt trực tiếp với số tiền 3,2 triệu đồng/người để phục hồi sinh kế. Khoản hỗ trợ tài chính này được cung cấp theo kế hoạch phục hồi sinh kế của hộ gia đình đã được dự án thẩm định về tính khả thi khi triển khai".
Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Điểm đặc biệt của Dự án là thiết lập đường dây nóng, tạo cơ chế phản hồi hai chiều công khai, minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, gửi góp ý và thắc mắc. Điều này không chỉ đảm bảo trách nhiệm giải trình xuyên suốt trong quá trình quản lý, thực hiện dự án mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả và tác động lan tỏa của các hoạt động hỗ trợ”, bà Hiền thông tin.
HIỆU QUẢ TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG
Bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết: Chính phủ New Zealand cam kết hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19, tập trung vào phục hồi kinh tế cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện tham gia dự án này. Tôi rất vui vì dự án có thể tiếp cận được hơn 1.500 nữ nông dân nghèo, nhiều người trong số họ bị ảnh hưởng do mất mùa, thu nhập giảm, thất nghiệp, sức khỏe sa sút và gia tăng gánh nặng chăm sóc cho các thành viên gia đình bị bệnh do Covid”, bà Caroline Rachel Beresford chia sẻ.
Bà Caroline Rachel Beresford bày tỏ niềm tin rằng việc nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính kịp thời đã giúp những người nông dân không chỉ phục hồi mà còn cải tiến các hoạt động sinh kế của họ.
“Hiệu quả đạt được của dự án sẽ bền vững hơn nhờ vào sự tham gia, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đối tác thực hiện, và quan trọng nhất là từ chính người nông dân”, bà Caroline Rachel Beresford tin tưởng.
Tại hội thảo, nhiều người hưởng lợi từ dự án đã chia sẻ những câu chuyện của mình. Là một người bị khuyết tật vận động, chị Nguyễn Thị Ly, một nông dân xã Phong Chương, huyện Phong Điền, gặp khó khăn “kép” khi dịch Covid-19 ập đến.
“Lúc dịch bệnh, mọi hoạt động buôn bán tạm dừng, sinh hoạt khó khăn, cuộc sống đảo lộn. Với những hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ dự án, tôi đã có thể phục hồi các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt của mình, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống", chị Ly chia sẻ.
Chị Hồ Thị Sáu, nông dân ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, cho biết đại dịch Covid-19 giáng xuống đã khiến gia đình chị khó khăn chồng chất. Là trụ cột kinh tế trong gia đình và phải chăm sóc người chồng mắc bệnh hiểm nghèo, chị Sáu nhớ lại: “Ai thuê gì thì mình làm nấy. Em phải thêm nuôi gà, còn các con thì phụ mẹ chăn bò. Cố gắng lắm cũng là để kiếm tiền mua gạo, thuốc thang cho chồng và lo cho 3 con ăn học, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau”.
Dự án tập huấn cho những người được chọn về kỹ thuật sản xuất chăn nuôi trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, rồi biết cách lập kế hoạch để sản xuất nữa. "Với khoản tiền mặt hỗ trợ, tôi đã chủ động vay mượn thêm và mua hai con bò cái để chăn nuôi. Không lâu sau, bò mẹ sinh con, nhà đã có 3 con bò. Tôi giữ lại hai con bò mẹ và bán con bò con được khoảng 14 triệu đồng sau một năm. Hy vọng là đàn bò sẽ sinh sôi để gia đình tôi cải thiện được cuộc sống”, chị Sáu bày tỏ niềm vui.
Bà Mai Thị Cam, một nữ nông dân nghèo ở xã Giang Hải, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã trải qua không ít gian khổ. Là mẹ đơn thân, bà đã tự mình nuôi nấng người con gái tật nguyền, rồi lại thay con lo lắng, chăm sóc cho cháu ngoại. Cuộc sống của bà càng trở nên khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cắt đứt nguồn thu nhập từ việc làm thuê của bà.
Biết hoàn cảnh chạy từng bữa gạo của gia đình bà Cam, chính quyền địa phương và thôn xóm đã quan tâm giúp đỡ. Được hỗ trợ lợn giống và ít thức ăn từ chương trình hỗ trợ dành cho người nghèo, bà vay mượn thêm một ít vốn để nuôi lợn. Thời gian đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên bà chỉ lãi được 600.000 đồng/con.
Rồi bà Cam nhận được sự hỗ trợ từ Dự án “Phục hồi sinh kế sau Covid-19, có cơ hội tham gia vào các khóa tập huấn chuyên sâu về chăn nuôi. Với số tiền hỗ trợ 3.200.000 đồng từ Dự án, bà đã quyết định mua heo giống lớn đã tiêm phòng, giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế.
Nhờ áp dụng các kiến thức từ khóa tập huấn, bà Cam nhẩm tính sẽ thu được lãi khoảng 6 triệu đồng sau 4 tháng nuôi heo. Số tiền tuy không lớn nhưng là "cú hích" cần thiết để tiếp thêm động lực và niềm tin cho những người đang bấp bênh như bà. “Tôi cảm ơn Dự án. Nhờ đó, mẹ con tôi mới có cơm ăn, có tiền mua viên thuốc lúc ốm đau. Tôi mừng lắm mấy cô chú ơi”, bà Cam xúc động.