September 20, 2024 | 16:51 GMT+7

Hơn 2.000 doanh nghiệp sẽ tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại TP.HCM

Thi Nguyễn -

Trong năm thứ 12 tổ chức, Hội Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2024 quy tụ hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM chiều 19/9, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết với mục tiêu xây dựng xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa Thành phố  và các tỉnh, thành vào ngày 26 - 29/9.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hội nghị hiện đã có hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước đăng ký tham gia để tìm kiếm cơ hội kết nối với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Với chủ đề "Kết nối trách nhiệm - Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh", hội nghị năm nay sẽ có hoạt động kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.

"Không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng. Đồng thời, giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho... trong giai đoạn đầu”, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết.

Đồng thời, hội nghị còn có các hoạt động trực tuyến, đơn cử như chiến dịch "Siêu Live hàng Việt" trên nền tảng thương mại điện tử. Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành.

Ngoài ra, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền sẽ có quy mô tương đương 700 gian hàng.

Tương tự các năm trước, Sở Công Thương Thành phố cho biết hội nghị năm nay tiếp tục đặt trọng tâm vào việc tạo điều kiện thuận lợi để bên mua và bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp và trực tuyến, cũng như quy chuẩn để đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại...

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành xem đây là cơ hội trình diễn sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến hệ thống phân phối, người tiêu dùng Thành phố; chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc ngay tại gian hàng.

Điển hình như khu vực gian hàng Long An sẽ tái hiện không gian nhà tranh, xuồng chở trái cây, khu vực gian hàng Đắk Lăk tái hiện không gian văn hoá cồng chiêng, khu vực gian hàng Đồng Tháp tổ chức các buổi tập huấn và livestream bán hàng…

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hội nghị sẽ góp phần giảm thiểu chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giúp doanh nghiệp phân phối tiết kiệm chi phí tìm kiếm nhà cung ứng và doanh nghiệp cung ứng tiết kiệm chi phí đưa sản phẩm vào các kênh phân phối.

 

Một số sản phẩm đặc sắc tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành như:

Trâu gác bếp, mắc kén, châm chéo, miến dong, lạp xưởng hun khói, bánh Pẻng phạ, thịt muối chua, gạp nếp Mộc Châu, táo mèo, trà giảo cổ lam… đến từ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bánh cốm Hà Nội, bánh đậu xanh, bánh gai, chả rươi, bánh đa mè, mì chũ… đến từ Vùng đồng bằng Sông Hồng. Tỏi Lý Sơn, mạch nha Mộ Đức, hương quế Trà Bồng, kẹo gương, gié bò, nem, chả tré, mắm nhum, bò một nắng, hải sản khô, hạt đác, nước mắm… đến từ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Sâm Ngọc Linh, cà phê, mật ong, thổ cẩm… đến từ Vùng Tây Nguyên. Hạt điều Bình Phước, muối Tây Ninh, yến Cần Giờ, bánh tráng Củ Chi, hải sản khô một nắng… đến từ vùng Đông Nam bộ. Trái cây miền Tây, nem Lai Vung, trà sen Đồng Tháp, kẹo dừa Bến Tre, mắm Châu Đốc, bánh Pía Sóc Trăng, lạp xưởng Cần Đước… đến từ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate