Ngày 20/3/2023 tại Hà Nội, Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức tọa đàm “Giải pháp quản lý và sử dụng 3,3 triệu ha rừng chưa giao do UBND xã quản lý”.
Tại đây, nhiều câu chuyện đã được chia sẻ và thảo luận liên quan đến vấn đề thời sự hiện nay như: Tình hình thực tiễn về quản lý và sử dụng 3,3 triệu ha rừng và đất rừng chưa có chủ do UBND cấp xã đang tạm thời quản lý hiện nay ở Việt Nam, giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả phần diện tích đất rừng này như thế nào?...
RỪNG CỘNG ĐỒNG CHƯA ĐƯỢC “CHÍNH DANH”
PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA), cho biết Việt Nam có 14.745.201 ha rừng. Trong đó: rừng tự nhiên: 10.171.757 ha; rừng trồng: 4.573.444 ha. Phân chia về chủng loại rừng: Rừng đặc dụng hiện có 2.195.725 ha, chiếm 14,8%; rừng phòng hộ có 4.695.514 ha, chiếm 31,8%; rừng sản xuất có 7.853.962 ha, chiếm 53,4%.
Theo ông Ngãi, hiện cả nước có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng, gồm 34 Vườn Quốc Gia, 56 Khu bảo tồn thiên nhiên, 14 Khu bảo tồn loài, 9 Khu dự trữ sinh quyển và 54 Khu bảo vệ cảnh quan được giao quản lý 2.175.082 rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng. Cùng với đó, 216 Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý 3.059.535 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ.
Nhiều năm qua, Nhà nước đã thực hiện giao đất giao rừng sản xuất cho các chủ rừng để thực hiện sản xuất trên đất lâm nghiệp. Đến thời điểm này, có 112 công ty lâm nghiệp nhà nước và một số công ty, doanh nghiệp được giao 1.688.803 ha rừng sản xuất; trên 1 triệu hộ gia đình hộ gia đình, cá nhân trong nước được giao 3.101.858 ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất. Nhà nước và các địa phương cũng đang cho các doang nhiệp đầu tư nước ngoài thuê 15.213 ha đất rừng sản xuất để trồng rừng.
Cùng với đó, đã có trên 10.000 cộng đồng hiện đang quản lý và sử dụng (gồm đã giao và tự công nhận) 989.827 ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên đặc dụng, rừng tự nhiên phòng hộ. Hiện vẫn còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và đất chưa có rừng, chưa được giao cho các chủ thể, mà vẫn tạm để UBND cấp xã quản lý.
Ngoài ra, có 377.202 ha rừng được giao đối với các tổ chức là lực lượng vũ trang, khoa học công nghệ.
"Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng sản xuất nhưng không có các quyền như các chủ rừng khác, như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao. Hệ lụy là, cộng đồng dân cư chưa thiết tha nhận đất để trồng rừng sản xuất, việc giao đất, giao rừng chậm, đất chưa giao còn nhiều".
PGS. TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam.
Nói rõ hơn về loại hình cộng đồng quản lý sử dụng rừng, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi cho hay trong số 989.827 ha rừng đang được quản lý bởi 10.000 cộng đồng thôn bản, có 524.477 ha đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng cho cộng đồng. Các thành viên cộng đồng đã tự hợp tác với nhau thành lập hệ thống tổ chức quản lý rừng, xây dựng hương ước, cơ chế hưởng lợi, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện tại, theo thống kê đã có hàng trăm mô hình rừng cộng đồng được tổ chức quản lý và sản xuất có hiệu quả trên cả nước được thực hiện bởi các chương trình, dự án. Đơn cử, như Dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam (2012-2016) trên địa bàn 10 tỉnh.
Theo ông Ngãi, tuy “Cộng đồng” nói chung, “cộng đồng dân cư” nói riêng không phải là pháp nhân, nhưng pháp luật hiện hành quy định theo hướng công nhận cộng đồng dân cư như một chủ thể đặc biệt trong các quan hệ pháp luật. Các bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đều có các quy định khá thống nhất về cộng đồng dân cư trên các khía cạnh liên quan đến tiếp cận, quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tài sản chung.
Thế nhưng đến nay, vẫn còn nhiều điểm thiếu trong khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về cộng đồng. Cộng đồng nói chung và cộng đồng dân cư nói riêng không được pháp luật thừa nhận là một pháp nhân.
"Do không phải là một pháp nhân nên cộng đồng thiếu các quy định pháp lý giải quyết quan hệ dân sự trong quản lý rừng, kể cả xử lý hành chính, hình sự các tranh chấp phát sinh. Cũng do cộng đồng dân cư không phải là một pháp nhân nên không có cơ hội hay có đủ các điều kiện để tiếp cận các nguồn tài chính cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng", ông Ngãi nói.
CẦN BỔ SUNG NHIỀU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nêu vấn đề: "Hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng nhưng chưa giao (không có chủ) hiện tạm để UBND xã quản lý. Những diện tích này ở vùng sâu, vùng xa; nhiều diện tích đang để hoang hóa hoặc đang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch".
Theo đó, nhiều xã có diện tích rừng lớn, có xã chiếm đến 53%, nhưng chưa có cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng.
"Việc tồn tại một diện tích lớn đất rừng do UBND xã quản lý trong thời gian dài, mà chưa giao cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng quản lý, là do thể chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp”, ông Nhị nói.
"Hàng triệu ha rừng được UBND cấp xã tạm quản lý, thế nhưng hầu hết các địa phương chưa có phương án hoặc không có kế hoạch sử dụng đối tượng rừng và đất rừng này, rất lãng phí. Ở nhiều nơi, đất rừng này bị lấn chiếm, một số nơi có xung đột, tranh chấp.
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam.
Ông Quang Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, Sơn La, cho hay xã Chiềng Pấc có 74ha rừng, chiếm 1/3 diện tích xã. Hiện xã đã giao một phần đất rừng cho các bản quản lý. Tuy nhiên khi triển khai phát sinh các vấn đề khó khăn: Không thể đo lường cụ thể, các bản có diện tích rừng được giao xâm lấn lẫn nhau. Một số chủ rừng chưa quan tâm sát sao đến việc thăm nom, bảo vệ, chăm sóc.
“Vẫn còn mặc định đây là rừng của chung, thù lao cho bảo vệ rừng chỉ hơn 500 nghìn cho mỗi ha/năm, nên nhiều người dân chưa thiết tha với việc bảo vệ rừng", ông Minh nêu thực tế
Do đó, ông Minh kiến nghị các Bộ, ngành có giải pháp khắc phục tình hình hiện nay trong quản lý rừng, Nhà nước xem xét nâng mức hỗ trợ để bà con có thêm động lực, cải thiện thu nhập. Đặc biệt là có giấy tờ pháp lý quy định rõ ràng để nâng trách nhiệm của các chủ rừng được giao.
Đại diện chính quyền huyện Sơn Dương, Tuyên Quang nêu vấn đề, hiện nay, các xã chủ yếu giao rừng bằng miệng mà chưa có căn cứ giấy tờ cơ sở pháp lý nào. Điều đó cho thấy thiếu tính chính danh do đó thiếu trách nhiệm đi kèm.
Tại tọa đàm, các đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật về lâm nghiệp và tổ chức lại quản lý rừng, để tránh tình trạng 3,3 triệu ha rừng mãi ở tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Thứ nhất, đề nghị bổ sung giao đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ cho cộng đồng dân cư tại các Điều 135 và 136, Luật đất đai.
Thứ hai, bổ sung thêm loại đất rừng tín ngưỡng nằm trong đất rừng đặc dụng; bổ sung đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư tại Điều 137, Luật đất đai.
Thứ ba, bổ sung vào văn bản dưới luật của Luật đất đai quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng trồng và tài sản khác gắn liền với đất rừng cho cộng đồng dân cư nói riêng và các chủ rừng khác nói chung.
Thứ tư, rà lại toàn bộ diện tích rừng do cộng đồng tự công nhận và hiện đang sử dụng.