Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), mặc dù hiện nay chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo nhận định của ngành chức năng, khoảng 60 - 70% nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ nhỏ, chủ yếu để chế biến dăm gỗ và viên nén. Gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu chỉ mới đạt khoảng 30 - 40% trong tổng khối lượng rừng thu hoạch.
NHU CẦU GỖ RỪNG CÓ FSC NGÀY CÀNG CAO
Số liệu thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, cả nước hiện có 4,4 triệu ha rừng trồng sản xuất. Trong số này, có khoảng 1,4 triệu hộ được giao 3,146 triệu ha đất lâm nghiệp.
Việc giao đất cho các hộ đã và đang đem lại những lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường, bởi các hộ đều tiến hành đầu tư trồng rừng khi có đất, góp phần làm tăng độ che phủ của rừng. Nghề trồng rừng đã giúp cải thiện sinh kế cho các hộ, bao gồm nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc, thông qua việc tạo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho thị trường trong và ngoài nước một cách ổn định và lâu dài...
"Tính đến cuối tháng 3/2022, Việt Nam có 53 đơn vị trồng rừng với 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS".
Tổng cục Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, chính việc có quá nhiều hộ dân, mỗi hộ trồng rừng với diện tích canh tác bình quân chỉ từ 2-10 ha, dẫn đến tình trạng trồng rừng thu hoạch sớm, thu hoạch rừng non (rừng trồng cây keo 4-5 năm tuổi) diễn ra phổ biến. Diện tích đất trồng rừng của hộ dân manh mún, không tập trung nên khó làm chứng chỉ rừng bền vững. Về kỹ thuật canh tác, hiện nay người trồng rừng chưa tiếp cận được với nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng, dù Việt Nam đã có bộ giống cây trồng tốt.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cho biết hiện nay các đối tác mua đồ gỗ ở EU, Hoa Kỳ đang có xu thế yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Thế nhưng, gỗ rừng trồng trong nước có chứng chỉ FSC hiện chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ở Việt Nam đang áp dụng 2 hệ thống chứng chỉ rừng bền vững quốc tế, gồm: chứng chỉ FSC (với 10 nguyên tắc và 64 tiêu chí, áp dụng cho gỗ và một số sản phẩm phi gỗ) và Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) do Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) chứng nhận.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam