January 04, 2022 | 10:53 GMT+7

Huawei dự đoán đối mặt với nhiều sóng gió năm 2022

Hoàng An -

Cùng với những lệnh cấm vận nghiêm ngặt đến từ Mỹ và môi trường kinh doanh khó đoán định, nhà sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc dự đoán sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong năm 2022...

Huawei dự đoán 2022 sẽ là năm với những “thách thức nghiêm trọng"
Huawei dự đoán 2022 sẽ là năm với những “thách thức nghiêm trọng"

Huawei dự kiến ​​kết thúc năm 2021 với doanh thu khoảng 99,45 tỷ USD, giảm gần 29% so với năm ngoái. Hãng này cũng dự đoán 2022 sẽ là năm với những “thách thức nghiêm trọng" trong bối cảnh môi trường kinh doanh không chắc chắn, và xu hướng "chính trị hóa trong lĩnh vực công nghệ".

Đặc biệt, các lệnh cấm về thương mại và xuất khẩu của Mỹ khiến chuỗi cung ứng của Huawei bị gián đoạn nghiêm trọng, và kéo doanh số bán điện thoại thông minh và lợi nhuận của hãng này giảm sâu trong những năm gần đây. Công ty công nghệ đến từ Trung Quốc này buộc phải tiến hành tái cơ cấu và đa dạng hóa trọng tâm sản phẩm, theo ZDnet.

ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU TỔ CHỨC

Trong thông điệp chào năm mới 2022, Chủ tịch luân phiên của Huawei, Guo Ping, chia sẻ, chuyển đổi kỹ thuật số trong các nền kinh tế toàn cầu đã trở thành một động lực tăng trưởng chính và mang lại cơ hội mới cho các công nghệ xanh nhưng năm 2022 cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

“Một môi trường kinh doanh không thể đoán trước, chính trị hóa công nghệ và phong trào phi hạt nhân hóa ngày càng tăng đều đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho Huawei”, ông Guo nhận định.

Trong bối cảnh đó, Huawei sẽ đẩy mạnh tập trung vào cơ sở hạ tầng và thiết bị thông minh, đồng thời tìm cách đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của khách hàng với "chuỗi quản lý" ngắn hơn. “Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra "các nhóm tích hợp" và "các công ty con theo miền cụ thể", ông Guo Ping nói thêm. 

Cụ thể, Huawei vào năm 2022 sẽ tìm cách hợp lý hóa các quy trình ra quyết định kinh doanh của mình bằng cách trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các văn phòng địa phương. Mục tiêu chính của nỗ lực chuyển đổi toàn tổ chức của hãng là nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp dịch vụ khách hàng.

ĐA DẠNG HÓA TRỌNG TÂM SẢN PHẨM

Trong chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm của mình, ông Guo lưu ý rằng các dịch vụ phần mềm của Huawei sẽ xoay quanh EulerOS trong khi danh mục thiết bị sẽ được điều khiển bởi HarmonyOS.

“Hai hệ sinh thái này sẽ tuân thủ chiến lược mã nguồn mở, cho phép tất cả các nhà phát triển phần mềm sử dụng chúng, cùng đóng góp và hưởng lợi từ hệ sinh thái”, ông Guo nói và cho biết thêm Huawei sẽ tăng đầu tư vào HarmonyOS và EulerOS nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

 

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua đạo luật cấm các công ty như Huawei và ZTE nhận giấy phép thiết bị mạng tại Mỹ. Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa kỳ năm 2020 cũng “dán nhãn” Huawei và ZTE là những mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

EulerOS là nền tảng cơ sở hạ tầng của Huawei hỗ trợ cả dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ tại chỗ, được chạy trên phiên bản hệ điều hành Linux của Huawei.

HarmonyOS hiện hỗ trợ hơn 220 triệu thiết bị Huawei và hơn 100 triệu thiết bị được phát triển bởi các nhà cung cấp bên thứ ba hiện đang chạy trên HarmonyOS, theo Huawei.

Lãnh đạo Huawei cũng chỉ ra tiềm năng tăng trưởng trong ngành ô tô và nhắm đến mục tiêu đưa Huawei trở thành "nhà cung cấp ưu tiên" các linh kiện mới trong các phương tiện thông minh. Nhà cung cấp đến từ Trung Quốc này năm nay sẽ chi 1 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển (R&D) các linh kiện ô tô thông minh.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua đạo luật cấm các công ty như Huawei và ZTE nhận giấy phép thiết bị mạng tại Mỹ. Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa kỳ năm 2020 cũng “dán nhãn” Huawei và ZTE là những mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Huawei trước đó đã gọi động thái hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn của chính phủ Mỹ là một nỗ lực khác nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Từ việc ngăn chặn xuất khẩu công nghệ cho Huawei, cô lập với các nhà sản xuất chip toàn cầu, buộc các đồng minh cấm Huawei tham gia mạng 5G, cho tới áp đặt các cáo buộc hình sự và bắt giữ một trong những giám đốc điều hành cấp cao, chiến dịch của Mỹ chống Huawei đã gây tổn hại cho tập đoàn này về mặt kinh tế.

Theo ông Guo, động thái này đã thúc đẩy Huawei tăng 30% đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như tái cấu trúc các sản phẩm của mình. Hãng này cũng đã tiến hành thiết kế lại hơn 1.800 bo mạch và viết lại khoảng 16 triệu dòng mã phần mềm của mình và đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho nhiều vật liệu của mình.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate