November 27, 2021 | 09:10 GMT+7

iPhone 13 tại thị trường Việt vẫn cung không đủ cầu

Hồng Vinh -

Sức mua lớn của dòng iPhone 13 series cộng với lượng hàng về Việt Nam khá ít, cơn sốt iPhone 13 vẫn chưa hạ nhiệt và giá vẫn giữ nguyên so với 2 đợt mở bán trước đó...

Sức hút iPhone 13 dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến Tết âm lịch.
Sức hút iPhone 13 dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến Tết âm lịch.

Theo Nikkei, Apple đang bị ảnh hưởng bởi "hạn chế sản xuất" do tình trạng thiếu nguồn cung và việc một số nhà máy sản xuất linh kiện phải đóng cửa. Thêm nữa, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc cũng xem là một yếu tố. Ngoài ra, nhiều hãng công nghệ, không riêng Apple, còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng “tắc nghẽn nghiêm trọng” đang hoành hành các cảng sân bay trên khắp thế giới. 

Báo cáo mới nhất của Nikkei cho biết, trước ngày Black Friday Apple đã phải xoay sở có được nhiều iPhone và iPad tốt nhất, sớm nhất đến tay khách hàng trong thời gian nghỉ lễ ở châu Á.

CEO Apple Tim Cook, đã từng cảnh báo tác động của hạn chế nguồn cung sẽ tồi tệ hơn trong quý bán hàng kỳ nghỉ hiện tại và tình trạng thiếu chip hiện đang ảnh hưởng đến hầu hết các sản phẩm của công ty.

Tại thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ lớn nhất Thế Giới Di Động cho biết: Tình hình chung iPhone 13 series vẫn chưa hạ nhiệt, cung không đủ cầu. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống Thế Giới Di Động đã bán ra gần 45.000 máy. Trong đó, các model đang cháy hàng là iPhone 13 Pro Max 128GB, iPhone 13 Pro Max 256GB, iPhone 13 128GB, iPhone 13 Pro 128GB.

Nguyên nhân cháy hàng được đại diện Thế Giới Di Động giải thích là do nhu cầu tăng gấp đôi năm ngoái và hãng không đủ đáp ứng hàng hóa (thiếu chip, nguyên vật liệu, nhân công, nhà máy đóng cửa...).

Sau một tháng mở bán, số lượng iPhone 13 tại chuỗi FPT Shop & F.Studio by FPT giao đến tay khác hàng đã chạm mốc gần 40.000 máy. Đại diện của nhà bán lẻ FPT Shop cũng chia sẻ: Phần lớn khách hàng đặt cọc trong giai đoạn trước mở bán đã nhận được hàng. Rất nhiều model đã đủ hàng cung cấp cho cả nhu cầu mua (không đặt cọc).

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop, cho biết: "Với vị thế là đối tác hàng đầu và lâu năm của Apple, FPT Shop vẫn đang tích cực làm việc với hãng sản xuất và liên tục về hàng, đến tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ cung cấp hơn 80.000 máy iPhone 13 Series để đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng Việt".

Dự kiến tháng 12, FPT Shop sẽ được ưu tiên về một lượng hàng lớn iPhone 13 series từ Apple sau khi đã đạt kỳ vọng của hãng để phục vụ cho nhu cầu rất cao của người tiêu dùng Việt Nam và chuẩn bị sẵn cho tháng trước Tết Âm lịch.

Ông Nguyễn Lạc Huy, phụ trách truyền thông của chuỗi cửa hàng CellphoneS, cho biết sức mua lớn của dòng iPhone 13 series được dự kiến sẽ kéo dài từ giờ tới Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khách hàng hiện tại đã có thể mua trực tiếp máy tại cửa hàng mà không cần phải đặt cọc trước.

Theo đánh giá từ hệ thống CellphoneS, cũng giống như các năm trước, phiên bản được người dùng quan tâm nhất hiện tại là iPhone 13 Pro Max bản 128GB (chiếm 40% số lượng khách đặt cọc đợt đầu), trong đó màu hot nhất là Sierra Blue chiếm hơn 60%. Tuỳ chọn màu vàng cũng tiếp tục được người dùng Việt ưa chuộng. Hiện tại với sức mua lớn, lượng khách hàng đăng kí sản phẩm iPhone 13 Pro Max 128GB vẫn rất cao, số lượng khoảng 500 lượt mỗi ngày.

Đại diện của CellphoneS cũng cho biết, với dòng iPhone 13 mới doanh thu bán hàng năm nay của CellphoneS sẽ tăng trưởng khoảng 50% so với dòng iPhone 12 series năm ngoái, tương đương với số lượng khách đặt cọc ban đầu.

“Sức hút iPhone 13 dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến Tết Âm lịch, trong giai đoạn từ nay đến Tết còn rất nhiều đợt mua sắm cao điểm như siêu Sale Black Friday tại CellphoneS diễn ra từ ngày 20 – 26/11, Giáng sinh, Tết dương lịch và giai đoạn cận Tết âm lịch. Tuy nhiên, ngoài phiên bản Pro Max 128GB thì hiện tại khách hàng đã có thể mua bình thường mà không cần cọc tại CellphoneS", ông Huy nói. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate