December 31, 2024 | 08:52 GMT+7

Jeju Air lâm vào khủng hoảng toàn diện?

Tường Bách -

Được thành lập từ năm 2005, Jeju Air hiện sở hữu đội bay 42 chiếc, chủ yếu là tàu bay thân hẹp của Boeing. Theo thống kê, bình quân mỗi tàu bay của Jeju Air hoạt động 13 giờ một ngày. Mỗi ngày, hãng có khoảng 217 chuyến bay…

Ảnh: YTN
Ảnh: YTN

Ngày 29/12, máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air không thả càng đáp mà hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông ở rìa sân bay quốc tế Muan, thuộc tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc, sau đó bốc cháy dữ dội, khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là chuyến bay gây chết người đầu tiên của Jeju Air.

Trước khi sự cố này xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp (LCC) được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Theo Chỉ số hài lòng của khách hàng Quốc gia (NCSI) của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, 2023 là năm thứ 5 mà Jeju Air đứng vị trí thứ nhất kể từ năm 2018. Thực tế, Jeju Air hiện cũng đóng vai trò hãng bay giá rẻ được thành lập đầu tiên và lớn nhất Hàn Quốc. Nếu xét toàn thị trường, Jeju Air lớn thứ nhì chỉ sau hãng hàng không quốc gia Korean Air.

Sau thảm họa, ông Kim Lee-bae, Giám đốc điều hành của Jeju Air, khẳng định rằng chiếc máy bay mang số hiệu 7C2216 không có tiền sử tai nạn trước đó và không liên quan đến chuyến bay từng gặp sự cố xảy ra vào tháng 11/2022.

Tuy nhiên, đến sáng 30/12, thêm chuyến bay mang số hiệu 7C101 của Jeju Air khởi hành từ Sân bay quốc tế Gimpo đến Jeju cũng được phát hiện sự cố với bánh đáp ngay sau khi cất cánh. Cơ trưởng đã phải thông báo cho 161 hành khách về lỗi cơ học này và sau đó đã quay trở lại Gimpo lúc 7h25 phút sáng cùng ngày theo giờ địa phương.

Tai nạn thảm khốc cũng là một đòn giáng nữa lên hãng hàng không Boeing sau nhiều sự cố trong năm nay.
Tai nạn thảm khốc cũng là một đòn giáng nữa lên hãng hàng không Boeing sau nhiều sự cố trong năm nay.

Ông Kim Lee-bae đã tổ chức một buổi họp báo chính thức và cho biết: "Chúng tôi sẽ ưu tiên tối đa việc khắc phục hậu quả và hỗ trợ gia đình các nạn nhân". Jeju Air thông báo, tổng mức bồi thường bảo hiểm cho các bên liên quan trong tai nạn của hãng này là khoảng 1 tỷ USD, hạn cuối của bảo hiểm là 30/4/2025. Việc bồi thường sẽ do 5 công ty chi trả, những người phụ trách bảo hiểm đã bay từ Anh về Hàn Quốc để thảo luận các thủ tục liên quan.

Tờ The Guardian cho rằng Jeju Air sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, bởi gia đình các nạn nhân đang yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn. “Cách duy nhất mà Jeju Air có thể làm hiện tại để hỗ trợ các gia đình có người thân qua đời là hỗ trợ họ về mặt tài chính. Bởi lẽ nhiều gia đình cả vợ và chồng đều tử vong, chỉ còn lại những đứa trẻ và làm sao có thể để chúng sống một mình”, thân nhân một hành khách tử vong trên chuyến bay của Jeju Air bày tỏ.

Theo Koreaboo, ngay sau sự cố, vào thời điểm mở cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 30/12, cổ phiếu Jeju Air giảm tới 15,7%, xuống thấp nhất kể từ khi hãng này niêm yết năm 2015. Đợt sụt giảm này đã làm mất hơn 95,7 tỉ won (khoảng 65,2 triệu USD) vốn hóa thị trường của hãng. Cổ phiếu AK Holdings - công ty mẹ Jeju Air cũng hạ 12%, thấp nhất 16 năm. Trong khi đó, cổ phiếu của một hãng bay giá rẻ khác là Air Busan tăng hơn 15%.

Hiện Jeju Air đã hủy mọi chuyến bay đến sân bay Muan. Tính đến hết ngày 30/12, có 10 chuyến bay quốc tế và 5 chuyến bay nội địa bị hủy do đường băng sân bay Muan đóng cửa. Một số chuyến bay đã lên lịch được chuyển hướng đến sân bay ở Seoul và Busan. Đồng thời, vô số các hành khách ban đầu có lịch bay với Jeju Air đã vội vã hủy vé. Theo Jeju Air, số lượng vé bị hủy lên tới khoảng 68.000 trong khoảng thời gian từ 12 giờ sáng ngày 29/12 đến 1 giờ chiều ngày 30/12 (giờ Hàn Quốc).

Jeju Air sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, bởi gia đình các nạn nhân đang yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn.
Jeju Air sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, bởi gia đình các nạn nhân đang yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn.

Trong số 68.000 lượt hủy, có khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và 34.000 vé cho các chuyến bay quốc tế. Ngay sau sự cố, Jeju Air đã đóng trang đặt chỗ trên trang web của họ. "Giới chức sẽ mất thêm thời gian nữa mới tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, tâm lý của hành khách chắc chắn chịu ảnh hưởng. Uy tín rất quan trọng với các hãng bay giá rẻ, khi dịch vụ và chỗ ngồi của các hãng gần như không khác biệt", Yang Seung-yoon, nhà phân tích tại Eugene Investment Securities nhận xét.

Thực tế ngay từ ngày 29/12, trên các nền tảng mạng xã hội Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện loạt bài đăng chia sẻ về việc hủy vé máy bay của hãng Jeju Air. Sau thảm kịch hàng không lớn nhất lịch sử Hàn Quốc, nỗi lo lắng của hành khách dường như tăng cao. Một hành khách chia sẻ trong bài đăng: "Tôi quyết định hủy vé máy bay đi Đà Nẵng (Việt Nam) vào năm sau vì hãng cho phép hủy miễn phí trước ngày 29/3/2025. Tôi dự định chọn hãng bay khác hoặc thay đổi điểm đến".

Một du khách Hàn Quốc khác cho biết: "Tôi đặt vé đi Nha Trang (Việt Nam) vào tháng 3 năm sau của hãng hàng không Jeju Air. Nhưng vì lo lắng, tôi đã hủy và chuyển sang Air Seoul". "Ngay khi biết tin về vụ tai nạn, tôi đã lập tức hủy vé bay của Jeju Air, dự kiến khởi hành vào thứ 3 (31/12)", một hành khách khác cũng chia sẻ. Jeju Air đã mở 7 đường bay Hàn Quốc - Việt Nam trên tổng số 6 thành phố, bao gồm Icheon (Seoul) - Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hà Nội, TP.HCM và Busan - Đà Nẵng.

Các công ty lữ hành địa phương cho biết, thảm họa máy bay đã khiến việc hủy tour du lịch tăng đột biến. Thậm chí, nhiều công ty đã phải dừng các chiến dịch quảng cáo trên TV và các nền tảng trực tuyến. “Chúng tôi đã nhận được khoảng 40 yêu cầu liên quan đến việc hủy chuyến đi chỉ riêng vào ngày 29/12, lượng hủy chuyến tăng gấp đôi so với thông thường và lượng đặt chỗ giảm 50%,” một đại lý du lịch chia sẻ.

Trong số 68.000 lượt hủy vé, có khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và 34.000 vé cho các chuyến bay quốc tế.
Trong số 68.000 lượt hủy vé, có khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và 34.000 vé cho các chuyến bay quốc tế.

Ngoài khủng hoảng hủy vé, cổ phiếu và tài chính, Jeju Air còn đang đối diện với một làn sóng chỉ trích dữ dội trên các nền tảng mạng xã hội. Tờ Busan thống kê, tính đến đầu ngày 31/12 có hơn 1 triệu bài viết về vụ tai nạn máy bay, trong đó 530.000 bài đăng liên quan chỉ trích “Jeju Air”. Ngoài ra, xuất hiện tin đồn nhân viên của Jeju Air bắt đầu có xu hướng chuyển sang hãng hàng không khác. Một nhân viên ẩn danh tiết lộ Jeju Air khá tiết kiệm chi phí bảo trì động cơ.

Tờ Yonhap đưa tin, chính phủ Hàn Quốc ngày 30/12 cho biết sẽ tiến hành kiểm tra an toàn nghiêm ngặt đối với Jeju Air. Ông Joo Jong-wan, người đứng đầu chính sách hàng không tại Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết Jeju Air được biết đến với tỷ lệ sử dụng máy bay cao, điều mà một số nhà quan sát cho là yếu tố góp phần gây ra vụ tai nạn ngày 29/12.

Giới chuyên gia nước này đánh giá ngành công nghiệp không khói của Hàn Quốc cũng sẽ chịu thêm một “đòn giáng” sau thảm họa máy bay của Jeju Air. Trước đó, việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Yook Suk Yeol tuyên bố áp lệnh thiết quân luật vào tối 3/12 rồi dỡ bỏ tình trạng vào rạng sáng 4/12 đã khiến ngành du lịch nước này bị “tổn thương” khá nhiều.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate