Trong khuôn khổ "Diễn đàn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp", chiều 10/7, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã diễn ra hàng loạt ký kết hợp tác giữa các Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp ngành nông nghiệp…
HỢP TÁC, LIÊN KẾT ĐỂ ĐI XA HƠN
Trong lĩnh vực Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Công ty TNHH Cường Tân và Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cùng ký kết Hợp đồng hợp tác phát triển giống lúa thuần LH12.
Với lĩnh vực Lâm nghiệp, Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất Thành Tâm và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng ký kết Hợp đồng cung cấp dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghiệp rừng, chế biến và bảo quản lâm sản.
Trong lĩnh vực Thủy sản, Công ty TNHH thương mại và vận tải Trường Phú Quý và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cùng Ký kết Hợp đồng phát triển trồng lúa kết hợp nuôi rươi bền vững. Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III ký kết Hợp đồng nghiên cứu, khảo sát và xây dựng chương trình thúc đẩy hoàn thiện, phát triển nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống tôm hùm tại Việt Nam.
Công ty TNHH Quan Minh và và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nuôi biển, các đối tượng: Nhuyễn thể, cá biển. Công ty TNHH Thanh Tùng và Viện Nghiên cứu Hải sản ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phầm trong lĩnh vực chế biến thủy sản; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH Việt Trường và Viện Nghiên cứu Hải sản: Ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phầm trong lĩnh vực Chế biến thủy sản.'
Đối với lĩnh vực Cơ điện - Công nghệ sau thu hoạch, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng nghiên cứu và tiếp nhận Chuyển giao công nghệ Tách ép và khử đắng nước cam sành đóng lon; Công nghệ tách chiết nước chuối trong đóng lon. Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng Chuyển giao Công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng ứng dụng cho quả (vải, nhãn) phục vụ xuất khẩu, quy mô 1.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Eco Hòa Bình với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng Chuyển giao Công nghệ trích ly bột chè hòa tan từ cây chè Shan tuyết với quy mô 600 tấn chè tươi/năm.''
"Nếu Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong lĩnh vực Thủy lợi - Phòng chống thiên tai, Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L và Trường Đại học Thủy lợi ký kết Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các giải pháp phục vụ quản lý tài nguyên nước, quản lý, giám sát an toàn hồ đập, điều hành vận hành hồ chứa, cảnh báo ngập lụt, số hóa hệ thống công trình thủy lợi.
Chủ trì Diễn đàn và chứng kiến các ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: "Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa".
“Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ là hỏng, là chúng ta tự mắc vào cái bẫy “tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
THỊ TRƯỜNG: "BÀ ĐỠ" CHO DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ KHOA HỌC
Tại Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trăn trở với câu hỏi: Làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu? Ông Sơn cho rằng, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng, do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. Còn với nguồn kinh phí của nhà nước đặt hàng thường là để giải quyết các vấn đề tầm vĩ mô, như xử lý hạn mặn, biến đổi khí hậu…
“Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về giống nấm linh chi với các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển lĩnh vực này. Rừng trồng được nấm linh chi do ông Lê Hoàng Thế nghiên cứu và phát triển đạt chuẩn 100% Organic Reishi Mushroom của USDA Organic của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và được công nhận trên toàn thế giới.
Ông Thế nói và cho rằng: “Để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm dược liệu, việc thành lập các trung tâm xét nghiệm đạt tiêu chuẩn là rất quan trọng. Những trung tâm này sẽ giúp kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác quốc tế”.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho hay Công ty Đắc Lộc được Bộ giao cho đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu nuôi con tôm hùm - sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đưa được nó lên bờ để nuôi thành công đó là nhờ khoa học công nghệ.
GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, cho rằng muốn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.
Ông Võ Đại Hải kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để số hóa các sản phẩm khoa học công nghệ để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để các tổ chức khoa học công nghệ tiếp tục chủ động trong nghiên cứu công nghệ cao, và cho ra đời những sản phẩm tốt.
Chia sẻ băn khoăn, trăn trở về việc làm thế nào để kết nối đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) mong muốn các doanh nghiệp có những bài toán thực tiễn và chuyển cho các nhà khoa học, còn Vụ sẽ có trách nhiệm tìm giải pháp để hỗ trợ kinh phí. Từ đó, có thể triển khai các đề tài khoa học công nghệ và nhanh chóng đưa sản phẩm vào thực tiễn.
"Tuy cơ chế chính sách chưa thể hiện rõ, song từng chương trình hỗ trợ về khoa học công nghệ của Vụ đều đặt tiêu chí có sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí “bắt buộc” để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ", ông Hùng khẳng định.