September 09, 2024 | 13:17 GMT+7

Kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay cứu trợ, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra

Chu Khôi -

Tính đến sáng 9/9, bão số 3 đã làm 26 người thiệt mạng và mất tích; 113.593 ha lúa và 22.047 ha hoa màu bị ngập úng; 6.887 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 121.668 cây xanh bị gãy đổ; 9.851 nhà ở bị hư hỏng…Trước những hậu quả vô cùng to lớn do cơn bão số 3 gây ra, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong nước, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế để khắc phục....

Thành phố Thái Nguyên đang bị ngập 17 phường.
Thành phố Thái Nguyên đang bị ngập 17 phường.

Ngày 9/9/2024, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ thiên tai đã tổ chức phiên họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp, đánh giá nhanh thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão này.

Phiên họp được được chủ trì bởi Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ thiên tai – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai – bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Phiên họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp, đánh giá nhanh thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Phiên họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp, đánh giá nhanh thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Tham dự phiên họp có nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như FAO, UNDP, UNICEF, UN Women, WHO, USAID, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, HIS, ActionAid…, cùng đại sứ quán các nước Anh, Thụy sỹ, Canada, Nhật Bản, Úc…

CẦN HỖ TRỢ LƯƠNG THỰC, SỬA CHỮA NHÀ CỬA

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Cuối năm ngoái, tại hội thảo chia sẻ thông tin các hoạt động 2023 và lập kế hoạch 2024, tôi đã chia sẻ e ngại về năm Giáp Thìn (trong lịch sử thiên tai Việt Nam, có những năm Giáp Thìn đầy đau đớn, như năm 1904 lũ lịch sử ở khu vực Gò Công và nhiều tỉnh thuộc Nam Kỳ thời bấy giờ đã gây ra cái chết của 5.000 người; hay năm 1964 trận lũ lịch sử tại quảng nam cũng đã cướp đi gần 10.000 mạng sống và cuốn 1200 nhà bị trôi, hàng chục nghìn ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề). Đến nay, khi cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã gây ra thiệt hại lớn đối với Việt Nam cũng như Philippin và Trung Quốc trong tuần vừa qua”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, lương thực, thực phẩm...".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, lương thực, thực phẩm...".

Theo thứ trưởng, khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3 tại Việt Nam là các khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Bên cạnh đó, Chính quyền và nhân dân trong khu vực đã có nhận thức tốt để chuẩn bị ứng phó với bão nên thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người đã được giảm thiếu xuống mức thấp nhất.

“Hôm nay, chúng ta ở đây để chia sẻ thông tin về cứu trợ để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả, giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí. Trước thiệt hại do cơn bão gây ra, với cá nhân, tôi thấy khu vực này cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống, bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng trong đó chú trọng vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, gia đình nghèo, neo đơn và người khuyết tật...", Thứ trưởng kêu gọi.

 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đánh giá tình hình, huy động nguồn lực và cung cấp các hỗ trợ thiết yếu cho các tỉnh và người dân bị ảnh hưởng".

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

"Với các nguồn cứu trợ khẩn cấp như hàng hóa, tiền mặt, sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau đó, như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn gia tăng hữu ích hơn nữa". Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh; đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới các nước, các tổ chức quốc tế đã và đang đồng hành cùng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong việc triển khai công tác hỗ trợ nhân đạo tại Việt Nam.

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của Bão YAGI.

“Ngay tại Hà Nội, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh to lớn của cơn bão như gió mạnh, mưa lớn và thiệt hại nặng nề. Tôi chỉ có thể hình dung tình hình ở các tỉnh ven biển, nơi gió mạnh đã và đang gây ra thiệt hại hết sức to lớn, và ở các vùng núi phía bắc, nơi mưa to, lũ lụt và nguy cơ sạt lở đất đang tiếp tục đe dọa các cộng đồng địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số”, bà Pauline Tamesis chia sẻ.

Bà Pauline Tamesis: "Ngay tại Hà Nội, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh to lớn của cơn bão". 
Bà Pauline Tamesis: "Ngay tại Hà Nội, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh to lớn của cơn bão". 

"Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này", bà Pauline Tamesis khẳng định, và cam kết sẽ phối hợp với các đối tác của mình để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Trong đó, trọng tâm vẫn là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, đảm bảo họ nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết.

Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh: "Liên hợp quốc nhận ra tầm quan trọng của việc triển khai các ứng phó phù hợp, với các ưu tiên của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng bị ảnh hưởng".

THIỆT HẠI “KHỦNG KHIẾP”

Theo Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tổng lượng mưa do hoàn lưu bão số 3 gây ra tính đến sáng 9/9/2024, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Một số trạm đo được lượng mưa rất lớn như: Vàng Danh (Quảng Ninh) 346mm; Phủ Dực (Thái Bình) 446mm; Kỳ Sơn (Hoà Bình) 387mm; Thượng Cát (Hà Nội) 271mm; Nậm Xây Luông (Lào Cai) 712mm; Pú Dảnh (Sơn La) 549mm; Phình Hồ (Yên Bái) 476mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 531mm.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến 7 giờ sáng ngày 9/9/2024, đã có 26 người chết, mất tích, trong đó do bão trực tiếp 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người. Cụ thể: Lào Cai 6 người, Quảng Ninh 6 người (trong đó có 1 chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và 1 chiến sỹ công an trại giam Quảng Ninh), Hải Phòng 2 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người, Hoà Bình 4 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 2 người, Bắc Giang 1 người, Tuyên Quang 2 người. Cùng với đó, có 247 người bị thương  do bão.

Sáng 9/9/2024, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh tỉnh Phú Thọ đã bị sập. 
Sáng 9/9/2024, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh tỉnh Phú Thọ đã bị sập. 

Về nông nghiệp, 113.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha,...). Diện tích hoa màu bị ngập úng 22.047 ha hoa màu (Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...). Diện tích cây ăn quả bi hư hại là 6.887 ha (Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha,...). Về thuỷ sản, trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi. Chăn nuôi, đã có 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm bị cuốn trôi.

Toàn miền Bắc có 121.668 cây xanh bị gãy đổ, trong đó: Hải Phòng 6.059 cây, Hà Nội 24.807 cây, Hưng Yên 9.036 cây, Hải Dương 40.000 cây, Bắc Ninh 31.860 cây…

Trên biển, 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng;

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Nhiều nhà cửa, công trình bị sập đổ tại Quảng Ninh.
Nhiều nhà cửa, công trình bị sập đổ tại Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn sau bão số 3 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang bị ngập sâu. Các khu vực đang bị ngập trên đị bàn tỉnh: Thành phố Thái Nguyên 17 phường; huyện Phú Lương 10 xã; huyện Đồng Hỷ 1 xã; Thành phố Sông Công 1 phường; huyện Định Hóa 23 xã; thành phố Phổ Yên 2 phường.

Về nhà ở: 1.985 hộ phải di dời khẩn cấp; 63 nhà bị tốc mái, 13 điểm trường bị ảnh hưởng. Về nông nghiệp: 3.019,7 ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; di dời 29.000 con gà, 150 con lợn.

Về giao thông và hạ tầng, có 25 điểm sạt lở, gãy đổ 6 cột treo cáp và một số thiết bị đầu cuối bị hư hỏng,  1 trạm biến áp bị hư hỏng, 43 cột điện bị đổ…

Hiện nay, các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai đang triển khai các biện pháp ứng phó lũ, ngập lụt; sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt, trũng thấp bị ảnh hưởng do lũ; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate