June 08, 2021 | 11:23 GMT+7

Khẩn thiết tiêm vaccine: Giải pháp căn cơ, đưa cuộc sống trở lại bình thường

Lý Hà -

Thế giới chỉ đạt miễn dịch cộng đồng khi mọi quốc gia trên thế giới có vaccine phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả. Chính vì thế, con đường nghiên cứu sản xuất vaccine và làm cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam tiếp cận một cách công bằng là cả một câu chuyện không dễ dàng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việt Nam luôn xác định chỉ có vaccine phòng Covid-19 mới là giải pháp căn cơ, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bởi thế, ngay từ đầu chúng ta đã có chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19.

“VŨ KHÍ” VACCINE HIỆN NAY LÀ CẤP THIẾT

Việt Nam đã ba lần khống chế thành công đại dịch Covid-19, điều này đã được cộng đồng thế giới công nhận đánh giá cao. Nếu kết quả chống dịch tính về số ca mắc/triệu dân thì Việt Nam đứng thứ 176/222 quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận dịch.  Với thành công đó, năm 2020 Việt Nam là một trong số ít các nước có kinh tế tăng trưởng dương.

Còn đợt  bùng phát dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27/4/2021 đến nay số ca lây nhiễm tăng rất nhanh tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Chưa đến 40 ngày (tính đến ngày 6/6/2021) riêng tỉnh Bắc Giang đã có khoảng 3.200 ca mắc Covid-19, lớn hơn số ca mắc của cả nước trong cả ba đợt dịch trước. Điều này cho thấy, mức độ nguy hiểm của chủng virus mới Ấn Độ.

 
“Không có quốc gia nào là an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều phải an toàn. Và trong các quốc gia không có cộng đồng nào an toàn cho đến khi tất cả các cộng đồng phải an toàn. Một khi virus đang lưu trú ở đâu đó thì tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh”.
Ông Babatunde Olowokure, Tiến sỹ, Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực Tây Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế thế giới

Trong chiến lược phòng chống dịch đợt này, Việt Nam lấy 5K làm nền tảng với nguyên tắc:  ngăn chặn - phát hiện - cách ly – khoanh vùng - dập dịch triệt, để điều trị hiệu quả.

Và tùy từng thời điểm, từng vùng, địa phương mà có thể bổ sung thêm những biện pháp phòng, chống dịch khác phù hợp trong cách ly ở khu vực đông người, khu vực nhà trọ công nhân, để kiểm soát vấn đề lây nhiễm chéo tại đây. Chúng ta ứng dụng nhiều nền tảng công nghệ hơn trong truy vết, giám sát, cách ly, đảm bảo khoanh vùng hợp lý.

Về chiến lược xét nghiệm cũng đã có những thay đổi trước tốc độ lây lan nhanh của chủng virus mới. Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (mất từ 4-6 tiếng), thì nay áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên để nhanh chóng sàng lọc bệnh nhân.

Điều này nhằm mục tiêu sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Đó là những giải pháp quan trọng, linh hoạt có hiệu quả khi chưa có nhiều vaccine, để có thể loại bỏ cơ bản virus, kiểm soát dịch bệnh một cách căn cơ, nhất là với các chủng virus mới.

Hơn nữa, nhìn lại các dịch bệnh xảy ra trong lịch sử loài người, phương pháp hữu hiệu cuối cùng để phòng chống đại dịch chủ yếu vẫn dựa vào vaccine, để đẩy lùi tiểm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch này đến đợt dịch khác.

Nhận rõ vấn đề phòng chống dịch Covid-19 nên từ sớm, ngày 19/2/2021 Bộ chính trị, Ban bí thư đã có Công văn số 50-CV/TW nói rõ việc mua vaccine phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách cần làm ngay. Theo tinh thần đó, ngày 26/2/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 21/NQ-CP lãnh đạo Chính phủ thực hiện ý kiến chỉ đạo trên.

Bám sát diễn biến đang rất phức tạp của dịch bệnh ở Bắc Giang và 30 tỉnh thành, phố khác cho nên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo chống dịch theo cách tiếp cận mới.  Đó là, chúng ta phải chống dịch  trên tinh thần: "Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công".

SẼ CÓ NHIỀU VACCINE NHƯNG TỐC ĐỘ TIÊM CHẬM

Vũ khí để tấn công dịch bệnh không chỉ là đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, trong truy vết, rà soát, khoanh vùng dịch, mà phải nhanh chóng nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, các công nhân có nguy cơ lây nhiễm cao. Có thể nói vũ khí vaccine được tung ra lúc này là hài hòa, vừa theo được tình hình diễn biến của dịch bệnh vừa theo được kế hoạch chuẩn bị vaccine của Việt Nam.

Từ tháng 5/2020 Mỹ với cách kết hợp ba lực lượng: Công ty dược phẩm - Cơ quan chính phủ - Quân đội, đã rút ngắn thời gian nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine xuống còn 8 tháng. Tính ra, ít nhất Mỹ đã chi 9 tỷ USD để đặt hàng 800 triệu liều vaccine.

 
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ: “Đáng lẽ Việt Nam đã có thêm 1 lô vaccine do COVAX cung cấp, nhưng Campuchia có dịch lớn nên vaccine lại được ưu tiên cho Campuchia”. Điều đó phần nào lý giải cho việc một số nước trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine hiện cao hơn Việt Nam.

Cùng thời gian này, dù chưa thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, Nga cũng ra tuyên bố đã sản xuất loại vaccine ngừa Covid-19 mang tên “Sputnik-V”. Theo tiết lộ của WHO, trên thế giới hiện có ít nhất hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid -19 với hàng chục quốc gia đang tham gia cạnh tranh, trong đó các nước lớn đang tập trung mọi nguồn lực để sản xuất phát triển vaccine.

Hiện đã có hơn 100 loại vaccine phòng Covid-19 của hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam đang trong giai đoạn sản xuất và thử nghiệm. Nổi lên trong số đó là các loại vaccine phòng Covid-19 đã được một số nước phê duyệt khẩn cấp như: vaccine của AstraZeneca của Đại học Oxford (Vương quốc Anh), vaccine Sputnik-V của Nga, vaccine của BioNTech/Pfizer (Đức, Mỹ), vaccine của hãng Moderna (Mỹ), vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc)...

Vì nhiều lý do nên việc chia sẻ nguồn cung vaccine là rất khó khăn. Các nước đều có nhu cầu rất lớn, nhất là những nước có dịch bùng phát mạnh, tỷ lệ người nhiễm trên số dân lớn, số ca tử vong nhiều. Vì nguồn cung vaccine rất hạn hẹp nên tổ chức COVAX Facility ra đời nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine. Căn cứ vào tình hình chống dịch, nguồn cung từ COVAX Facility sẽ ưu tiên cho những nước đang có số ca nhiễm lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam  đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin Covid-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vaccine được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam đang khẩn trương triển khai tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và đảm bảo tiến độ an toàn và hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua.

Với tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến  năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó có những nguồn vaccine từ AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, COVAX Facility đã ký kết từ tháng 9 và tháng 10/2020.  Mới đây đã thỏa thuận tiếp với Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V.

 
Để đảm bảo tính an toàn khi tiêm vaccine nên tốc độ tiêm hiện nay của Việt Nam đang quá chậm, phải tăng tốc độ tiêm lên hơn 200.000 liều mỗi ngày thì trong vòng một năm, mới tiêm hết cho 75 triệu người dân. Tính từ khi bắt đầu tiêm vaccine (ngày 8/3/2021) đến ngày 5/6/2021  chỉ mới tiêm được 1.243.304 liều vaccine.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để tự chủ  nguồn vaccine của mình.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate