Chiều 23/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine phòng Covid-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vaccine phòng Covid-19 về những tháng tới, dự kiến trong quý 3/202, Việt Nam sẽ tiêm cơ bản hết cho các đối tượng ưu tiên, đủ số lượng vaccine tiêm cho lực lượng sản xuất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 6 điểm Bộ Y tế cần hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc.
Thứ nhất, Bộ Y tế phải dự kiến được tiến độ số lượng vaccine về Việt Nam, từng loại vaccine cụ thể để phân bổ tiêm cho các đối tượng không chỉ đáp ứng chuyên môn chống dịch, mà còn tính tới các tác động về kinh tế, xã hội, đối ngoại...
Thứ hai, căn cứ vào tiến độ, loại vaccine dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên để triển khai tiêm trước hết là bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc. Tiếp đến là công bằng giữa các đối tượng có xem xét tới sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thứ ba, Bộ Y tế phải có kế hoạch dự kiến khoảng thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cũng như phương án tiêm hết mũi 1 cho số lượng lớn người dân hoặc là dự trữ vaccine để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho số lượng người dân ít hơn; tiêm hai mũi là hai loại vaccine khác nhau hay cùng một loại.
Thứ tư, nếu phương án tốt nhất được thực hiện thì thời điểm nào Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TP.HCM…
Thứ năm, sau khi đã tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng thì Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vaccine.
Thứ sáu, Bộ Y tế cần đề xuất việc sử dụng kinh phí phục vụ việc tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là những vấn đề Chính phủ và toàn xã hội rất quan tâm. Trong tình hình khan hiếm vaccine hiện nay, khi tháng 7, đầu tháng 8/2021 vaccine chưa về nhiều, thì người dân rất quan tâm ai được tiêm trước, ai tiêm sau.
Vì vậy, Bộ Y tế phải bảo đảm thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP, còn lực lượng sản xuất cần căn cứ vào địa bàn có nguy cơ, tránh tình trạng không công bằng giữa các đối tượng như Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã nghe, thảo luận dự thảo thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine phòng Covid-19.
Hiện nay, việc cấp phép lưu hành các vaccine phòng Covid-19 của nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện theo quy trình khẩn cấp. Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vaccine phòng Covid-19, cả của nước ngoài và trong nước, để các hội đồng căn cứ vào đó thực hiện.
Đối với các vaccine phòng Covid-19 nghiên cứu, phát triển trong nước, luật cũng quy định phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết trong điều kiện bình thường, quy mô thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc (bao gồm cả vaccine) thường theo thông lệ quốc tế.
Còn theo đại diện Bộ Tư pháp, Điều 89 (Luật Dược) quy định về “Thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc” thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để thể hiện trong thông tư do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Trong trường hợp cần các yêu cầu, điều kiện đặc biệt mà pháp luật hiện hành chưa quy định thì Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan thẩm quyền xem xét.