January 29, 2021 | 14:42 GMT+7

Khát khao của doanh nghiệp Việt và con đường đi đến "Make in Vietnam"

Lý Phan Loan

Cho dù con đường đi có khác nhau nhưng với các doanh nghiệp công nghệ số đều có chung một đích đến, đó là khát khao sáng tạo và sự tự chủ công nghệ trên tinh thần "Make in Vietnam"

Con đường doanh nghiệp đến "Make in Vietnam" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hưng Tổng giám đốc TPBank

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ, XÂY DỰNG NỀN TÀI CHÍNH SỐ 

Chúng ta phải làm chủ công nghệ, sáng tạo, phát triển ra các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có thể xây dựng được một nền tài chính số Make in Vietnam để nâng cao sức cạnh tranh. Lĩnh vực ngân hàng, tài chính là một trong các lĩnh vực chịu nhiều cơ hội mới cũng như rủi ro tiềm ẩn trước sự mở rộng của các fintech và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, do đó đòi hỏi các ngân hàng nội phải chủ động hơn, tích cực hơn đầu tư vào công nghệ để không bị tụt lại phía sau.

Bài học từ TPBank, vốn là một ngân hàng non trẻ, thành lập năm 2008, 4 năm đầu xếp chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, nhưng chuyển đổi số, hướng về công nghệ là định hướng ngay từ những ngày đầu của TPBank, đặc biệt khi có cổ đông là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT, Mobifone, Softbank. Ngay từ đầu TPBank đã định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số vì hoạt động theo mô hình ngân hàng truyền thống TPBank sẽ không đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời. Chính định hướng này đem lại nhiều thành tựu, từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện TPBank là 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200 nghìn tỷ, bình quân tăng trưởng 30 đến 40% mỗi năm. Số lượng khách hàng tăng mạnh từ con số vài chục ngàn lên tới gần 4 triệu người. Mặc dù tăng trưởng nhanh, lượng khách hàng tăng mạnh nhưng số nhân sự tại TPBank lại tăng khá khiêm tốn từ 4 đến 5%, nguyên nhân là các lao động giản đơn đã được thay thế bằng công nghệ.

Trước đây ngân hàng tập trung vào các hoạt động huy động, cho vay vốn thì nay định hướng khách hàng và dữ liệu mới là trung tâm. Một số mô hình hoạt động truyền thống của ngân hàng sẽ thay đổi, nhường chỗ cho tự động hóa, và ứng dụng công nghệ như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Sắp tới, một số nghiệp vụ của ngân hàng sẽ bị thay thế, chuyển từ mô hình truyền thống sang công nghệ mới, tự động hóa, sử dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo. Hiện nay 90% hoạt động của TPBank không cần dùng giấy tờ. TPBank đang có 70 robot triển khai trong ngân hàng, dự kiến tăng lên 140 robot trong năm 2021 này.

Ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái, kết nối với các ngân hàng khác, fintech, doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở. Các ngân hàng sẽ đổi mới quy trình vận hành, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ, đến kết nối, chia sẻ, tạo giá trị gia tăng và hiệu quả cho khách hàng.

Muốn xây dựng được một nền tài chính số Make in Vietnam, các ngân hàng cần đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ. Việc triển khai, khai thác hiệu quả các công nghệ, giải pháp vào mục đích kinh doanh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới quan trọng. Ngân hàng cần chủ động xây dựng ý tưởng, phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nước, thuê ngoài hoặc tự phát triển các giải pháp công nghệ mới. Chúng ta phải làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển thành giải pháp, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam. Mặc dù quá trình chuyển đổi, làm chủ công nghệ cần nhiều thời gian, đòi hỏi các ngân hàng phải làm từng bước một.

Con đường doanh nghiệp đến "Make in Vietnam" - Ảnh 2.

Ông Phạm Kim Hùng, Founder & CEO Base.vn

CHẤT LƯỢNG LÀ TIÊU CHÍ KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỔI 

Khi mới thành lập và làm ra sản phẩm đầu tiên, chúng tôi đã có một quyết định rất liều lĩnh là giới thiệu cho các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Không có gì ngạc nhiên khi mà 100% những câu trả lời chúng tôi nhận được là sự từ chối. Tất cả những khách hàng tiềm năng mà chúng tôi gặp, họ đều trả lời một câu như nhau: Vì sao phải dùng một sản phẩm của công ty mới thành lập, một công ty ở Việt Nam, chưa có kinh nghiệm gì, chưa có khách hàng, chưa có câu chuyện thành công khi chúng ta đang dùng các sản phẩm hàng đầu thế giới?

Thực tế việc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình là không hề dễ dàng. Thời điểm đó phần lớn chúng tôi đã bị từ chối. Nhưng điều thú vị là không một ai không sẵn sàng nghe chúng tôi trình bày, dù trước đó tôi nghĩ rằng gặp được họ đã khó. Các DN muốn nghe Base bởi vì họ thấy khát vọng của chúng tôi đủ lớn, và chắc chắn có một ngày Base sẽ tạo ra những sản phẩm tốt. Hiện nay, rất nhiều trong số họ đang là khách hàng của chúng tôi.

Chúng tôi không từ bỏ vì có một niềm tin rằng trong tương lai rất gần thì phần mềm sẽ có ở tất cả mọi nơi và làm thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, cách nhân viên làm việc và tương tác. Không chỉ bởi vì Covid, mà đó là một trào lưu không thể đảo ngược: Software sẽ thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Các doanh nghiệp cũng có hàng nghìn bài toán chưa tìm được lời giải tối ưu ngay kể cả họ đã và đang sử dụng những sản phẩm rất tốt trên thế giới.

Thứ hai, chúng tôi tin vào những sản phẩm tốt, chúng tôi tin rằng luôn có cơ hội cho những công ty tập trung vào việc sáng tạo, tập trung vào sản phẩm. Và chúng tôi dành toàn bộ thời gian tìm hiểu xem làm thế nào để tạo ra một sản phẩm giải quyết tốt hơn các vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải.

Trong 5.000 doanh nghiệp mà chúng tôi được gặp là 5.000 câu chuyện khác nhau và các CEO vẫn hàng ngày đau đáu nghĩ về những bài toán quản trị mà họ đang gặp phải, vẫn chưa tìm được lời giải. Cho nên chúng tôi thực sự tin là vẫn còn cơ hội cho những công ty tập trung vào sản phẩm.

Thứ ba, chúng tôi cũng có niềm tin vào Make in Vietnam, vào các doanh nghiệp Việt Nam, tin rằng các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để kiến tạo nên những sản phẩm tốt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ quốc tế.

Quả thực thời gian gần đây, tôi mới thực sự hiểu về tinh thần Make in Vietnam, đó là chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới. Chúng ta không thể đi gặp khách hàng và nói rằng: "Anh hãy mua sản phẩm của em vì sản phẩm của em là Make in Vietnam". Khách hàng có quyền lựa chọn, và chúng ta phải cạnh tranh sòng phẳng về mặt chất lượng. Cho nên điều khó khăn nhất, là làm thế nào chúng ta tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng một phần ba so với các sản phẩm quốc tế. Chất lượng là tiêu chí mà chúng ta không bao giờ được đánh đổi.

Khi chúng ta tiếp cận bài toán của doanh nghiệp thì có 2 cách để làm. Thứ nhất là cố gắng làm một ứng dụng, thứ hai là xây dựng một nền tảng. Ứng dụng là một sản phẩm độc lập, còn nền tảng là nơi mà các ứng dụng có thể cùng chạy đồng thời, có thể tương tác, kết nối và trao đổi dữ liệu cho nhau. Điều mà chúng tôi mong muốn là xây dựng một nền tảng mở, để không chỉ Base mà bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam đều có thể cùng tích hợp ứng dụng trên đó nhằm giải quyết tốt hơn hàng nghìn bài toán của khách hàng. Triết lý của Base khi xây dựng một sản phẩm là chúng tôi sẽ nhìn vào tương lai trong vòng 5 năm nữa, thế giới sẽ như thế nào. Giả sử tương lai diễn ra vậy, thì sản phẩm mình muốn xây dựng ở hiện tại cái gì. Tương lai của thế giới chắc chắn là nền tảng mở, thực ra xu hướng này cũng đã và đang diễn ra.

Hiện tại thì Base đang cung cấp khoảng 50 ứng dụng cho hơn 5.000 khách hàng và trong suốt 4 năm qua Base đã giúp cho các doanh nghiệp hoàn thành hơn 8 triệu công việc, 13 triệu lượt tương tác hàng tháng và hơn 50 nghìn quy trình được số hóa trên nền tảng Base. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số rất nhỏ.

Con đường doanh nghiệp đến "Make in Vietnam" - Ảnh 3.

Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Công ty CP truyền thông và máy tính Thánh Gióng

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT MÁY TÍNH 

Tiền thân là một nhà phân phối máy tính của các hãng trên thế giới, sau 5 năm Thánh Gióng táo bạo quyết định chuyển từ nhà phân phối sang sản xuất và lắp ráp máy tính nguyên bộ với 70% linh kiện sản xuất trong nước. Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên mở ra hướng sản xuất mới bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất máy tính được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất theo quy mô công nghiệp và phòng thí nghiệm hiện đại.

Thành công của Thánh Gióng chính là nhờ biết "đứng trên vai người khổng lồ", bắt tay với những công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản là Tập đoàn C.P.R để hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất máy tính tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Ngoài ra, công ty liên kết với tập đoàn máy tính của Singapore để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất máy tính xách tay. Chúng tôi đã khai thác hiệu quả các công nghệ, giải pháp vào mục đích sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới. Từ đó làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển thành giải pháp, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam.

16 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, máy tính Thánh Gióng đạt Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; hãng máy tính có tiêu chuẩn hệ thống quản lý bảo mật thông tin ISO 27001:2013; đạt được Qui chuẩn Việt Nam QCVN 118:2018... Quá trình sản xuất, lắp ráp máy tính đều trải qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Các dòng máy tính Thánh Gióng có tính đồng bộ và ổn định cao, hoạt động được trong điều kiện điện áp không ổn định, độ ẩm môi trường cao, thay đổi nhiệt độ lớn, đặc biệt được tích hợp phần mềm bảo mật giúp chống đánh cắp dữ liệu hiệu quả và các nguy cơ về mã độc, thích hợp cho khách hàng chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp lớn.

Với tiêu chí sáng tạo không ngừng, đến nay công ty công nghệ Thánh Gióng là 1 trong 5 công ty sản xuất máy tính hàng đầu tại Việt Nam. Các linh kiện được kiểm tra đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào sản xuất. Toàn bộ máy tính Thánh Gióng được lắp ráp và kiểm tra trên môi trường nhiệt độ cao 40OC và độ ẩm 100%, điện áp nguồn thay đổi liên tục. Sau khi toàn bộ máy tính vượt qua giai đoạn kiểm tra này, các kỹ sư của công ty sẽ chạy test trong vòng 24 giờ trước khi xuất xưởng, những sản phẩm không đạt sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.

Để xây dựng thương hiệu cho máy tính Thánh Gióng và hướng tới trở thành doanh nghiệp đứng đầu, sản xuất thiết bị IoT và máy vi tính của Việt Nam, hết quý II năm nay Thánh Gióng sẽ thành lập Trung tâm R&D tại Khu công nghiệp Bắc Từ Liêm qui tụ nhiều chuyên gia và máy móc để làm nơi sáng tạo và thiết kế các sản phẩm "Make in Vietnam"...

Con đường doanh nghiệp đến "Make in Vietnam" - Ảnh 4.

Ông Nhữ Văn Hoan, Phó TGĐ thường trực Tập đoàn Sơn Hà

LUÔN CHỌN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TỪ GỐC RỄ 

Từ những ngày đầu thành lập, Sơn Hà luôn đặt mục tiêu phải đưa thương hiệu Việt phủ khắp thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Trong thời gian đầu, Sơn Hà chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia dụng, cho đến nay Tập đoàn triển khai đầu tư các công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất. Hiện Sơn Hà sở hữu 6 ngành trọng điểm, 9 nhà máy, cùng hàng trăm chi nhánh và hơn 20.000 đại lý trên toàn quốc. Với hơn 22 năm khẳng định thương hiệu trên thị trường, hàng triệu sản phẩm của Sơn Hà đã đến với người dân trên khắp cả nước. Trong đó, bồn nước của Sơn Hà đã góp phần khẳng định vị thế "vua inox" của Tập đoàn trên thị trường.

Chúng tôi đã làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như khai thác công nghệ hàng đầu Nhật Bản trong xử lý nước thải tại nguồn không qua bể tự hoại; làm chủ công nghệ xử lý nước thải tốc độ cao, lọc sạch nước (GJR) trong thời gian ngắn của Viện Nghiên cứu nước Tp.Gyeongju (Hàn Quốc). Đối với nước sạch, Sơn Hà đầu tư vào hệ thống xử lý nước ngầm Chemiles tại Việt Nam qua việc áp dụng công nghệ cao vào xử lý nước nhằm tạo ra nguồn nước sạch theo tiêu chuẩn Nhật Bản và đảm bảo nước uống trực tiếp tại vòi.

Cách làm thành công của Sơn Hà là chúng tôi luôn chọn chiến lược phát triển từ gốc rễ. Mỗi lĩnh vực mà tôi và Tập đoàn theo đuổi là cả một quá trình nghiên cứu, đầu tư bài bản, phát triển theo một chiến lược đã được vạch ra từ trước. Đặc biệt, muốn phát triển từ gốc phải có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Đó là lý do chúng tôi đã lập Viện nghiên cứu ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện nay chúng tôi đã đưa vào đây nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên biệt. Từ ban đầu Sơn Hà chỉ có một trung tâm, tới nay đã có 3 trung tâm nghiên cứu trong các lĩnh vực: đồ gia dụng - đồ điện; ứng dụng ngành nước, phát triển nước thải và trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời.

Tới đây Sơn Hà sẽ có thêm Trung tâm nghiên cứu sản phẩm đời sống công nghệ cao. Chúng tôi tự tin, Sơn Hà là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam tiên phong và mạnh dạn tạo dựng phòng R&D. Tôi quan niệm rằng, nếu được đầu tư, nghiên cứu bài bản thì với trí tuệ con người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn đủ sức làm ra các sản phẩm mang tầm quốc tế bằng chính bàn tay khối óc của mình chứ không phải đi sao chép sản phẩm nước ngoài. Và khi ấy, chúng ta không còn bị mang tiếng là chỉ đi "gia công". Các doanh nghiệp Việt Nam phải dám từ bỏ việc chỉ có tư duy làm gia công, lắp ráp mà hãy làm sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế từ Nhà nước mà quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân Việt. Chỉ có như vậy Make in Vietnam mới có thể phát triển hùng mạnh.

Con đường doanh nghiệp đến "Make in Vietnam" - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Founder & CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Getfly Việt Nam

NẮM ĐƯỢC CÔNG NGHỆ MỚI CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP  

Sau khi ở Nhật Bản về Việt Nam làm việc, điều tôi nhận ra nhiều nhất đó là phương pháp hoạt động tại 2 môi trường rất khác nhau. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ rằng có thể do công cụ khác nhau, dẫn tới hiệu suất khác nhau. Sau khi đi tìm kiếm các công cụ trên thị trường, chỉ có các công cụ của nước ngoài được điều chỉnh lại cho có tiếng Việt nhưng khi áp dụng vào doanh nghiệp, đều không có thành công.

Đó là thời điểm tôi nhận ra, dù các phần mềm nước ngoài có cung cấp dưới dạng Open Source (Mã nguồn mở) khiến chúng ta có thể customize (tùy biến) lại cho phù hợp với thị trường (Made in Vietnam), nhưng khi thực sự đưa vào hoạt động, phần mềm lại không hoạt động tốt. Lý do vì đâu đó, đơn vị sáng tạo các phần mềm này vẫn giữ một số bí quyết kinh doanh, để khi dùng demo thì tốt, nhưng khi thực sự đi vào kinh doanh, cần phải chỉnh sửa vào phần lõi (core business) và luôn phải trông cậy vào họ.

Nếu như vậy thì làm cách nào một công ty công nghệ có thể tự chủ được? Đây là xuất phát điểm để tôi mong muốn xây dựng một giải pháp mà mình hoàn toàn có thể chủ động, chỉnh sửa mọi thứ nếu muốn. Đó cũng là định hướng của Nhà nước không chỉ làm gia công, lắp ráp (Made in Vietnam) mà là chủ động nghiên cứu, sáng tạo, nắm được những sản phẩm đỉnh cao, hướng tới khu vực có nhiều lợi nhuận hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu (Make in Vietnam).

Theo tôi, hiện tại, các nền tảng công nghệ Make in Vienam vẫn đang phải chạy theo các ý tưởng (idea), xu hướng (trend), các thiết kế sản phẩm (UI/UX) do chúng ta có sự bắt đầu muộn so với các nước...

Các nhà phát triển luôn phải điều hòa giữa 2 lựa chọn: Thứ nhất là sử dụng giải pháp của nước ngoài và tuỳ chỉnh lại phù hợp thị trường Việt Nam (Made in Vietnam). Thứ hai là xây dựng lõi giải pháp của chính mình (Make in Vietnam). Cả hai phương pháp đều có ưu và khuyết điểm riêng, nhưng theo tôi, bất cứ phương pháp nào giúp doanh nghiệp đưa được sản phẩm ra thị trường, tạo dựng thị trường thì đều tốt. Sau khi đã có thị trường, doanh nghiệp luôn có xu hướng kiểm soát công nghệ của mình, hay một cách rất tự nhiên, đều hướng tới Make in Vietnam.

Tuy nhiên, điểm nghẽn ở đây có thể đó là năng lực bán hàng, trình độ nhân sự. Nếu 2 điểm nghẽn này được giải quyết, tôi tin càng ngày sẽ càng có nhiều giải pháp Make in Vietnam.

Với Getfly, ngay khi bắt đầu đã xác định rất rõ mục tiêu là giúp doanh nghiệp nhỏ (SMB) có thể số hoá (Chuyển đổi số) hoạt động của mình trên 1 phần mềm thống nhất, dữ liệu tập trung, quy trình tập trung. Các Doanh nghiệp nhỏ có đặc thù khi sử dụng phần mềm khá khác so với các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần một giải pháp có nhiều tính năng, không cần quá chuyên sâu, nhưng phải đáp ứng được tất cả hoạt động. Các doanh nghiệp này không có nhiều nguồn lực về công nghệ thông tin và cần sự hỗ trợ rất nhiều để triển khai giải pháp...

Để theo đuổi mục tiêu đó, chúng tôi bắt đầu xây dựng một lõi về CRM do chính chúng tôi viết, mặc dù trên thị trường có rất nhiều giải pháp Open Source - mã nguồn mở có sẵn. Chúng tôi biết rằng, chỉ khi nắm được, tự chủ mọi công nghệ thì mới có thể xây dựng được giải pháp phù hợp nhất với thị trường...

Song song với xây dựng giải pháp, chúng tôi cũng xây dựng một quy trình Chuyển đổi số sát với doanh nghiệp Việt Nam, giúp rút ngắn thời gian triển khai phải pháp vào doanh nghiệp. Và điều quan trọng nhất, chỉ sau 1 tháng triển khai, doanh nghiệp đã nhận được kết quả ngay, tiết kiệm thời giản quản trị 2h mỗi ngày; tăng doanh số và quy trình tiêu chuẩn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate