Không chỉ lắp ráp, gia công, làm thuê, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam đã và đang nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế, làm chủ công nghệ mới, chủ động sản xuất, bắt nhịp với cuộc cách mạng số với tinh thần "Make in Vietnam".
"Make in Vietnam" đã thực sự trở thành động lực, nguồn cảm hứng cống hiến trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần 2 cuối tháng 12/2020 vừa qua, một lần nữa, tinh thần "Make in Vietnam" được Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Không Make in Vienam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vienam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng". Bộ trưởng cho rằng, sự ra đời của chương trình Make in Vietnam, của tinh thần Make in Vietnam là thể hiện khát vọng và tự hào Việt Nam, của toàn dân Việt Nam. Sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Vietnam là chuyển đổi số Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI VÀ ĐỘNG LỰC CHUYỂN MÌNH
Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ gọi xe đang có nhiều những ông lớn chiếm thị phần ở thị trường trong nước, Bee đã nổi lên là một ứng dụng gọi xe "Make in Vietnam" cạnh tranh ngang ngửa với các giải pháp ngoại. Không chỉ dừng lại ở ứng dụng gọi xe, Bee đang phát triển để trở thành một nền tảng mở có khả năng kết hợp nhanh chóng với các DN khác để mở rộng hệ sinh thái công nghệ thuần Việt. Là một ứng dụng gọi xe thuần Việt, đến nay, Bee đã đứng thứ 2 trên thị trường với khoảng 30% thị phần tại Việt Nam, tạo ra một hệ sinh thái số với hơn 10 triệu người dùng, có mặt ở hơn 10 tỉnh thành... Đây được coi là nỗ lực lớn của một doanh nghiệp Việt trước các đối thủ lớn là 2 công ty vốn hóa 15 tỷ USD và 12 tỷ USD.
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Bee Group cho rằng, Chính phủ đã có những chủ trương quan trọng về thúc đẩy kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia... Các chủ trương, thông điệp này đã trở thành động lực truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các DN công nghệ startup như Bee Group để phát triển trở thành nền tảng công nghệ số "make in Vietnam".
Theo bà Phương, công nghệ mang lại nhiều cơ hội tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro thách thức. Các doanh nghiệp nước ngoài mang đến cho người Việt những giá trị trước mắt, ngắn hạn nhưng lại lấy đi những giá trị lâu dài. Nếu doanh nghiệp Việt không đứng lên, tự làm chủ công nghệ, tự xây dựng nền tảng và phát triển trong các mảng kinh doanh cốt lõi thì sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Các doanh nghiêp Việt phải cùng nhau liên kết, tạo hệ sinh thái số thuần Việt lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh nội địa và cùng nhau vươn ra thế giới.
Mục tiêu sáng tạo, tự chủ công nghệ không chỉ với Bee mà đã và đang được nhiều doanh nghiệp số, startup tiên phong triển khai, hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Smartlog đã giải bài toán lâu nay và góp phần chuyển đổi số ngành Logistics Việt Nam bằng các giải pháp công nghệ của mình. Trước đây, vận hành logistics bằng các phần mềm cũ và phụ thuộc hoàn toàn vào thủ công và kinh nghiệm của con người. Trên thị trường công nghệ giai đoạn này chủ yếu hiện hữu những giải pháp đắt đỏ của nước ngoài với chi phí đầu tư cao nhưng không linh hoạt, và khó đáp ứng với đặc thù logistics Việt Nam.
Smartlog đã xác định sứ mệnh phải đem lại nền tảng toàn diện thay vì các giải pháp công nghệ đơn lẻ. Các giải pháp Smartlog đưa ra giúp vận hành thông suốt, tầm nhìn trực tuyến, vận hành tự động hóa, không giấy tờ, và sản sinh dữ liệu. Đến nay đã có hơn 100 chủ hàng và công ty dịch vụ logistics lớn cũng như hàng trăm nhà xe đã là đối tác của Hệ sinh thái Smartlog. Hơn 15 ngàn xe tải đang vận hành hàng ngày trên hệ thống STM với hàng chục ngàn đơn hàng mỗi ngày lưu chuyển. Hơn 1 triệu m2 kho với khoảng 150 kho hàng và gần 10.000 users đang sử dụng nền tảng SWM của Smartlog. Thông qua các giải pháp logistics toàn diện Smartlog cung cấp như: Hệ thống quản lý vận tải (STM), Sàn giao dịch vận tải (STX), Hệ thống quản lý kho (SWM), VNPost đã giảm 23% chi phí vận hành...
Động lực từ tinh thần "make in Việt Nam" đã thổi bùng khát vọng sáng tạo, làm chủ công nghệ để phụng sự và phát triển đất nước cường thịnh của các doanh nghiệp công nghệ, các startup. Không ít doanh nghiệp truyền thống cũng đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành DN số, cung cấp giải pháp, hạ tầng nền tảng số "Make in Vietnam"...
Với FPT 20 năm, khi bước chân ra thị trường nước ngoài đã có những khởi đầu không suôn sẻ. Nhưng với tinh thần và ý chí mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu, FPT đã vươn lên cạnh tranh sòng phẳng những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và với những thành tựu về công nghệ thông tin đã đạt được, Việt Nam hiện có thể đứng ngang hàng với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thiết kế và sáng tạo ra các nền tảng, giải pháp, dịch vụ công nghệ đẳng cấp quốc tế cho thị trường Việt Nam và đi ra toàn cầu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, "Từ một khởi đầu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gia công, chúng tôi đã vươn lên thành một nhà cung cấp phần mềm có giá trị gia tăng cao cho nhiều khách hàng tên tuổi trên thế giới như Airbus, Toyota... Chúng tôi đã có một giấc mơ lớn là in dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ số thế giới, mang các sản phẩm công nghệ thông tin do Việt Nam sản xuất ra thế giới, và giờ đây, giấc mơ này đã thành hiện thực".
Với vai trò là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, tiên phong chuyển đổi số và nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các tập đoàn lớn trên toàn cầu, hướng đến mục tiêu đứng trong Top 50 nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới, trong thời gian qua FPT đã ưu tiên mọi nguồn lực để nghiên cứu phát triển hệ sinh thái các nền tảng, giải pháp, dịch vụ "Make in Vietnam", được cộng đồng quốc tế ghi nhận thông qua các giải thưởng, bảng xếp hạng uy tín. Những nền tảng, sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam nằm trong hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số của DN này như Nền tảng akaBot; nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI... góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số hướng đến mô hình quốc gia số trong tương lai.
Sau khi thực hiện xong sứ mệnh "Phổ cập dịch vụ viễn thông" ở Việt Nam, Viettel tuyên bố sứ mệnh mới "Tiên phong kiến tạo xã hội số" và thực hiện chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang cung cấp dịch vụ số. Đến cuối năm 2020, Viettel đã hình thành 6 nền tảng chủ đạo của một xã hội số gồm: hạ tầng số; giải pháp số; nội dung số; tài chính số; an ninh mạng và nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao mang lại 10.000 tỷ đồng doanh thu hàng năm và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tập đoàn đã triển khai hệ thống tính cước thời gian thực VOCS, tổng đài chuyển mạch, tổng đài tin nhắn. Đặc biệt, Tập đoàn này cũng đã nghiên cứu, phát triển và làm chủ hạ tầng thiết bị mạng 5G... Trong số 38 nền tảng "make in Vietnam" do Bộ Thông tin & Truyền thông công bố, có nhiều nền tảng giải pháp của Viettel đã được triển khai ứng dụng mang lại giá trị thiết thực... như nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hay như Viettel AI Open Platform...
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Viettel xác định mục tiêu là tập đoàn công nghệ cao, tiên phong, dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam, trở thành trung tâm kết nối số, trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Xác định được vai trò và sứ mệnh mới, Tập đoàn VNPT đã chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông thành doanh nghiệp công nghệ thông tin và nay là doanh nghiệp công nghệ số, củng cố ngôi vị nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, góp phần nâng tầm vị thế trụ cột và dẫn dắt của Tập đoàn trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh...
Bên cạnh Viettel, VNPT, FPT, Vingroup, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đã và đang triển khai "Make in Vietnam" một cách mạnh mẽ như Misa, Bkav, FastGo... Misa từ ngày đầu luôn đi theo hướng phát triển sản phẩm Make in Vietnam, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Misa hiện là một trong số doanh nghiệp có nhiều sản phẩm trong chuyển đổi số quản lý tài chính, nhân sự... cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Đơn cử như nền tảng MISA AMIS đã giúp kết nối hơn 1.000 đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công ty cung cấp dịch vụ khác. Hơn 175.000 doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm trong hoạt động quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, kinh doanh. Định hướng của doanh nghiệp này là gộp các nền tảng với nhau thành một nền tảng duy nhất, kết nối với các doanh nghiệp khác, tạo ra một hệ sinh thái.
Chia sẻ các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ gia công sang làm dịch vụ số, đại diện Misa chỉ ra những điểm khác biệt nổi bật. Làm sản phẩm Việt khác so với sản phẩm gia công, hay các dự án theo yêu cầu đặt hàng. Một là phục vụ nhiều khách hàng hơn, thứ hai, khách hàng có thể tự triển khai, và theo đúng nghĩa "Make in Vietnam" là tự nghĩ từ A đến Z, từ ý tưởng, thiết kế, lập trình, đóng gói, triển khai... Muốn chuyển đổi, doanh nghiệp cần có tư duy làm sản phẩm, nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng cụ thể, chọn ra tập nhỏ để phục vụ tốt nhất. Sản phẩm phải trau chuốt hơn gấp nhiều lần.
THÀNH QUẢ TỪ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC
"Make in..." là một sáng kiến được khởi xướng từ Ấn Độ vào năm 2014 với mục tiêu phát triển các sản phẩm nội địa và chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Và Ấn Độ đã gặt hái được nhiều thành tựu từ sáng kiến này.
Với Việt Nam, cụm từ này xuất hiện lần đầu trong Diễn đàn công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam- Myanmar hồi giữa tháng 12/2018 khi đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình diễn tại Myanmar. Tiếp đó, "Make in Vietnam" cũng đã được lấy làm chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Thông tin & Truyền thông.
Đến giữa năm 2019, lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức một diễn đàn ở tầm quốc gia để tuyên bố Chiến lược quan trọng về phát triển DN công nghệ Việt Nam. Tại diễn đàn này, thông điệp "Make in Vietnam" đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông. Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định với nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nếu chỉ tiếp tục lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.
Một sứ mệnh lịch sử của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại diễn đàn lần đầu này. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hóa rồng" vào năm 2045. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các DN công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt. Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ.
Chỉ thị đầu tiên của năm 2020, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ là chỉ thị về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" với hàm ý "doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới". Những DN công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các DN công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 DN công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... chính là tiền đề thuận lợi cho các DN công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.
Đến nay, sau một năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây, Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. Đây là một con số kỷ lục và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
"Make in Vietnam" đã tạo nên nguồn cảm hứng cống hiến sáng tạo lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. Trong năm 2020, Bộ Thông tin & Truyền thông đã tổ chức chuỗi sự kiện "Ngày thứ 6 công nghệ" hàng tuần với 38 nền tảng số Make in Vietnam được đánh giá và giới thiệu. Các nền tảng Make in Vietnam chính là những công cụ quan trọng giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid hoành hành, sự ra đời của các sản phẩm công nghệ số như Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... đã minh chứng cho tinh thần này. Người đứng đầu ngành Thông tin & Truyền thông cho rằng, "nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy".
Cùng với chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, năm 2020, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sắp tới sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Thông tin & Truyền thông công nghệ số Việt Nam.
Việt Nam đã tuyên bố khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045 và con đường để đạt đươc chính là khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Các DN công nghệ số Việt Nam sẽ không chỉ giúp thay đổi tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước mà còn giúp làm thay đổi vị thế Việt Nam trên bản đồ phát triển và thịnh vượng của thế giới.
Năm 2020 là năm đầu tiên Bộ Thông tin & Truyền thông trao giải thưởng sản phẩm số Make in Vietnam. Giải thưởng gồm 5 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc, Giải pháp số xuất sắc, Nền tảng số xuất sắc, Thu hẹp khoảng cách số, và Sản phẩm số tiềm năng. 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hạng mục đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số. 14 sản phẩm được vinh danh đều mang đến các giải pháp tiêu biểu, giúp ích cho cộng đồng, thể hiện chất xám, và trình độ công nghệ của Việt Nam và có sức cạnh tranh với thế giới:
Giải thưởng tiềm năng công nghệ số:
- AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát.
- Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.
Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số:
- VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh.
- Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettel Post.
- Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.
Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc:
- OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS
- AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang.
- Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.
Giải thưởng sản phẩm số xuất sắc:
- Akabot 2 - giải pháp tự động hóa cho từng quy trình của doanh nghiệp.
- Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.
- VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.
Giải thưởng nền tảng số xuất sắc:
- Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số
- Be - ứng dụng gọi xe công nghệ
- FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện