Nhà chức trách Đan Mạch ngày 26/9 yêu cầu tàu thuyền không đi vào vùng bán kính 5 hải lý từ đảo Borholm sau khi xuất hiện tình trạng rò rỉ khí đốt ra biển Baltic từ đường ống Nord Stream 2 thuộc sở hữu của Nga.
Theo tin từ Reuters, Chính phủ Đức cho biết đã liên lạc với phía Đan Mạch và làm việc với lực lượng chấp pháp địa phương để tìm ra nguyên nhân dẫn tới việc áp suất trong đường ống bị giảm đột ngột.
Vào buổi tối ngày thứ Hai theo giờ địa phương, nhà vận hành đường ống Nord Stream 1 cũng nói rằng áp suất trong đường ống này giảm mạnh.
Nord Stream 1 đã vận hành với lượng khí đốt ngày càng giảm kể từ giữa tháng 6 trước khi ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn từ tháng 8 vừa qua. Về phần mình, Nord Stream 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động do bị Chính phủ Đức đình chỉ quy trình phê duyệt ngay trước khi nổ ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine. Hai đường ống này chạy song song dưới biển Baltic, nối giữa Nga và châu Âu.
Nhà vận hành Nord Stream 2 cho biết áp suất trong đường ống đã giảm từ ngưỡng 105 xuống 7. Dù chưa bao giờ đi vào hoạt động, trong đường ống này vẫn có một lượng khí đốt nhất định.
“Nguyên nhân của việc rò khí đốt đang được điều tra”, Nord Stream AG - nhà vận hành Nord Stream 1 - cho biết trên website và không cung cấp thêm thông tin.
Đường ống khổng lồ này là một trong những điểm xung đột chính của cuộc chiến năng lượng ngày càng leo thang giữa Nga và châu Âu. Nguồn cung khí đốt Nga bơm cho châu Âu ngày càng giảm kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và phương Tây áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt. Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga dùng năng lượng làm vũ khí, trong khi Nga nói sự cố kỹ thuật và chính các biện pháp trừng phạt mới là nguyên nhân khiến cho việc bơm khí đốt không thể diễn ra bình thường.
“Ngày hôm nay đã xảy ra sự rò rỉ đường ống Nord Stream 2 ở khu vực của Đan Mạch”, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của nước này cho biết trong một tuyên bố.
Ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan điều độ mạng lưới của Đức, viết trên mạng xã hội Twitter rằng sự sụt giảm áp suất trên cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2 khiến “nhà chức trách Đức đánh giá rằng tình hình đang nghiêm trọng”.
Phía Đức nói hiện chưa rõ nguyên nhân nào dẫn tới sự sụt giảm áp suất này, nói thêm rằng sự cố này không ảnh hưởng gì đến anh ninh nguồn cung năng lượng ở Đức và dự trữ khí đốt của nước này đã đạt khoảng 91%.
Cơ quan quản lý hàng hải Đan Mạch đã đưa ra cảnh báo đối với tàu thuyền và thiết lập một vùng nguy hiểm đối với giao thông hàng hải xung quanh Nord Stream 2. Nhà vận hành Nord Stream 2 cho biết áp suất trong đường ống đã giảm từ ngưỡng 105 xuống 7. Dù chưa bao giờ đi vào hoạt động, trong đường ống này vẫn có một lượng khí đốt nhất định.
Chạy từ St. Petersburg tới Đức, Nord Stream 2 được xây dựng với kỳ vọng tăng gấp đôi lượng khí đốt bơm trực tiếp từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Đường ống đã hoàn tất và được cấp 300 triệu mét khối khí đốt ở thời điểm Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn.
Nord Stream AG, công ty có trụ sở ở Thuỵ Sỹ và đã thực chất đã dừng hoạt động, cho biết đã thông báo cho tất cả các bên liên quan về sự rò rỉ khí đốt. Khi được hỏi về rò rỉ xuất hiện trên Nord Stream 2, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom từ chối trả lời và đề nghị chuyển câu hỏi tới nhà vận hành đường ống.
Gần đây, Nga đã nhiều lần gợi ý châu Âu đưa đường ống Nord Stream 2 vào vận hành để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt ở Nord Stream 1. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào hoan nghênh ý tưởng này của Nga.
Vụ rò rỉ khí đốt ở hai đường ống Nord Stream được phát hiện chỉ một ngày trước lễ khai trương đường ống Baltic Pipe nối từ Na Uy tới Ba Lan. Đây là một dự án chủ chốt trong nỗ lực của Ba Lan nhằm “cai” khí đốt Nga. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sẽ tới Ba Lan vào ngày thứ Ba để dự sự kiện này.
Đường ống Nord Stream 2 vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Đan Mạch và vào năm 2017, nước này thông qua một đạo luật cho phép Copenhagen cấm đường ống đi qua lãnh hải của mình vì lý do an ninh quốc gia. Sau đó, Nord Stream 2 thay đổi hướng đi so với thiết kế ban đầu để đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch - nơi lệnh cấm đó không thể được áp dụng.