Forbes đánh giá "Cristiano Ronaldo là một người khổng lồ của thế giới thể thao, được coi là một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại. Và với hơn 900 triệu người theo dõi trên mạng xã hội, anh ấy đã là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn. Nhưng Ronaldo hiện đã có một bước đi táo bạo để củng cố hơn nữa vị thế siêu sao toàn cầu - bằng cách ra mắt kênh YouTube của riêng mình".
Kênh mới của Ronaldo có tên đơn giản “UR - Cristiano” ra mắt vào khoảng 20 giờ ngày 21/8 là nơi Ronaldo thảo luận với người hâm mộ về bóng đá - “niềm đam mê lớn nhất” của anh, cùng với “những sở thích khác, bao gồm gia đình, sức khỏe, dinh dưỡng, sự chuẩn bị, phục hồi, giáo dục và kinh doanh”. Cách tiếp cận đa diện này phù hợp với cách những nhà sáng tạo hàng đầu xây dựng lượng khán giả của mình bằng cách cung cấp nhiều nội dung đa dạng vượt ra ngoài lĩnh vực chính là sự nổi tiếng của họ.
Thực tế, chưa một ai có thể đạt được nút kim cương trong thời gian nhanh tới vậy. Trong vòng 90 phút đầu tiên, kênh đã vượt 1 triệu người đăng ký, trở thành kênh YouTube mới đạt được cột mốc này nhanh nhất. Sau 4 giờ, kênh đã có hơn 5 triệu người đăng ký. Sau khoảng 11 tiếng, kênh đạt hơn 10 triệu người đăng ký và chính thức đạt nút “Kim cương”. Trước đó, kỷ lục thuộc về kênh MrBeast (Jimmy Donaldson) khi đạt nút kim cương sau 132 ngày lập kênh Youtube. Hiện tại, kênh MrBeast có 311 triệu người đăng ký.
Ngay lập tức, sự việc Ronaldo mở kênh Youtube tạo ra cơn sốt trên chính YouTube với hàng loạt tin tức ăn theo cũng như các mạng xã hội khác. Việc ra mắt "UR - Cristiano" nhấn mạnh tầm quan trọng của YouTube như một nền tảng cho các vận động viên, người nổi tiếng và những người của công chúng khác kết nối trực tiếp với cộng đồng người hâm mộ của họ.
Trong khi các phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình và tạp chí trước đây là phương tiện chính để những người như vậy chia sẻ câu chuyện và quan điểm của mình thì giờ đây, phương tiện truyền thông xã hội giúp họ vượt qua những giới hạn để trò chuyện với khán giả theo cách riêng.
Đây là xu hướng có khả năng sẽ ngày càng tăng tốc khi ngày càng nhiều ngôi sao thể thao nhận ra giá trị của việc xây dựng doanh nghiệp truyền thông kỹ thuật số của riêng mình. Thay vì phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông truyền thống, họ đang tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để truyền tải câu chuyện của mình một cách trực tiếp và chân thật nhất.
Hiện tại, kênh đã đăng tải 13 video thời lượng dài và 7 video ngắn qua tính năng Shorts và thu hút hơn 30 triệu lượt xem. C.Ronaldo chia sẻ về lý do lập kênh Youtube: "Tôi đã ấp ủ ý định này từ rất lâu và bây giờ chúng tôi đã biến nó thành hiện thực. Tôi luôn có mối quan hệ thân thiết với người hâm mộ trên mạng xã hội. Kênh Youtube của tôi sẽ mang đến cho tôi một nền tảng lớn hơn để làm như vậy".
Trước Youtube, cầu thủ này còn có hơn 900 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram (633 triệu tài khoản theo dõi), Facebook (170 triệu lượt thích) và Twitter (112 triệu tài khoản theo dõi). Một bài quảng cáo trên trang Instagram của anh hiện có giá tới 3,2 triệu USD.
Hiện còn một nền tảng lớn mà Ronaldo chưa góp mặt là TikTok. Thực tế, anh đã xuất hiện trên mạng video ngắn của ByteDance năm 2023. Trong một ngày, tài khoản vọt lên 4 triệu người theo dõi, video đăng duy nhất cũng nhận hơn 10 triệu lượt thích. Tuy nhiên, quá nhiều người tràn vào khiến TikTok phải khóa tài khoản của cầu thủ người Bồ Đào Nha. Khi đó, điều này cũng làm dấy lên tin đồn YouTube cấm Ronaldo lập kênh do sợ "gây áp lực tài chính lên nền tảng". Dù vậy, cả YouTube lẫn Ronaldo đều chưa từng lên tiếng về vấn đề này.
Lionel Messi, một trong những đối thủ lớn nhất của Ronaldo trên sân cỏ, cũng sở hữu lượng người theo dõi khủng trên mạng xã hội. Các huyền thoại thể thao khác như Roger Federer (gần 40.000 theo dõi), Rafael Nadal (hơn 22.000), Novak Djokovic (hơn 70.000), hay những ngôi sao bóng rổ như LeBron James (64.000), hay CLB đông fan nhất thế giới Man Utd (9,3 triệu theo dõi)... cũng đều tận dụng rất tốt các nền tảng vừa để kiếm tiền vừa để nâng cao hình ảnh cá nhân.
Đồng thời, việc các vận động viên khai thác các nền tảng này để tiếp cận người hâm mộ còn cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của nền kinh tế sáng tạo (creator economy). Họ không chỉ muốn ghi dấu ấn với tư cách là một vận động viên xuất sắc mà còn muốn tạo dựng di sản của mình qua việc chia sẻ các khía cạnh khác của cuộc sống ngoài thể thao.
Thực tế là Olympic Paris vừa qua là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh của mạng xã hội trong việc tạo dựng thương hiệu cá nhân cho các vận động viên. Chẳng hạn, một loạt các video ngắn của vận động viên bơi người Na Uy Hendrik chia sẻ về món bánh tráng miệng được phục vụ tại Làng vân động viên Olympic đã đưa anh trở nên nổi tiếng. “Muffin Man” (biệt danh của Hendrik) đến nay đã có hơn 300.000 theo dõi trên mạng xã hội TikTok.
Những người quan sát thậm chí đã gọi sự kiện đang diễn ra tại Paris là "Thế vận hội TikTok", nơi các vận động viên chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ từ việc thử nghiệm độ bền của những chiếc giường, những trải nghiệm xung quanh việc tập luyện, thi đấu, những video hậu trường… lên mạng xã hội. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) dường như cũng nhận ra điều này khi nới lỏng các hướng dẫn về mạng xã hội dành cho các vận động viên tại Olympic 2024.
Từ đầu năm, Ủy ban Olympic quốc tế đã công bố "Nguyên tắc chính thức về truyền thông xã hội và kỹ thuật số", để cho phép các vận động viên chia sẻ trải nghiệm Thế vận hội Olympic của họ trên tài khoản kỹ thuật số cá nhân, đồng thời bảo vệ quyền của các bên có bản quyền truyền thông. Rollo Goldstaub, Giám đốc quan hệ đối tác thể thao toàn cầu của TikTok, chia sẻ với The Verge rằng, trong 5 ngày đầu tiên của Olympic 2024, đã có hơn 521.000 bài đăng sử dụng hashtag #Olympics, cao hơn hẳn so với 29.000 bài đăng ở cùng giai đoạn của Olympic Tokyo.
Trong một bài viết cho Forbes, Michael Ede, nhà sáng lập công ty quản lý thể thao Uplift11 Sports tại Anh, cho biết: “Khi ngành thể thao tiếp tục phát triển và tiến hóa, việc xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ có thể giúp các cá nhân nổi bật, thu hút các cơ hội mới và đạt được thành công lớn hơn. Thế giới thể thao không chỉ là cuộc thi đấu thể thao. Đó là một ngành kinh doanh lớn và thương hiệu cá nhân đã trở thành một công cụ thiết yếu để tạo nên sức ảnh hưởng”.