July 23, 2024 | 09:16 GMT+7

Khi sản phẩm OCOP giúp giữ chân du khách

Tường Bách -

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%...

Hà Nội đã có trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong số đó có trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề.
Hà Nội đã có trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong số đó có trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề.

Chương trình OCOP với hơn 11.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận trên toàn quốc, góp phần kích hoạt được sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng địa phương trước yêu cầu của thị trường. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, chia sẻ tại họp báo công bố thông tin Dự án du lịch ẩm thực nông nghiệp, nông thôn “OCOP Việt trên bàn tiệc” diễn ra mới đây.

Đồng thời, theo các chuyên gia, ngày nay ẩm thực cũng như các sản vật địa phương là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, níu chân du khách khi đến Việt Nam. Bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho hay: “Ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại, ngành du lịch.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP là cách làm hay, du lịch cộng đồng đến với vùng quê, bắt buộc sản phẩm OCOP hoà mình để cùng phát triển. Nhưng các doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm, phải tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, làm tốt bao bì, đóng gói, chú trọng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý để thu hút du khách. Phải nắm bắt xu hướng trao đổi mua bán về thương mại điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa.

Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay gần đây rất được ưa chuộng tại Khánh Hòa.
Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay gần đây rất được ưa chuộng tại Khánh Hòa.

Mới đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch xây dựng, phát triển có hiệu quả mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái trong xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2024 và giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, từ năm 2025 - 2030 sẽ hỗ trợ thành lập mới 5 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái.

Anh Nguyễn Phi Trường, chủ trang trại dừa Phượng Hoàng Farm (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), cho hay đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đưa sản phẩm dừa xiêm hữu cơ đạt chứng nhận OCOP. Hiện khu vườn của anh là điểm tham quan cho các đoàn học sinh và du khách. Chủ vườn nói các nhóm khách đến đây rất thích khi được đi dưới tán dừa, uống nước dừa ngay tại vườn. "Bất kỳ nhà vườn nào cũng mong muốn tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm bền vững, trong đó việc phát triển du lịch là phương thức hiệu quả nhất", anh Trường nói.

Tương tự, việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được chú trọng. Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay, cắm trại, du lịch mạo hiểm…, thưởng thức món ăn địa phương mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, quầy hàng lưu niệm, điểm check-in và các dịch vụ đa dạng khác… đã thu hút nhiều du khách đến với Quảng Bình trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, địa phương đã tổ chức các shop tự chọn, quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích Đền Công Chúa Liễu Hạnh, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham quan mô hình trình diễn sản xuất nón lá, bún bánh Ba Đồn, Quảng Trạch kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng ở làng bích họa Cảnh Dương; Hình thành “con đường du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đến với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng” kết hợp tham quan các mô hình chế biến dược liệu, nấm sạch, vườn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh…

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch cộng đồng.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Việc Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP.

Tại phía Bắc, thống kê cho thấy, TP. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thời gian qua, Hà Nội đã có trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong số đó có trên 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà - huyện Phú Xuyên; làng nghề sơn mài Hạ Thái, Thường Tín…

Trong khi đó, nhằm chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, thời gian vừa qua Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tích cực phối hợp với các sở, ngành, chức năng, các địa phương, chủ thể sản phẩm OCOP phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm nông nghiệp; quảng bá tiềm năng, lợi thế cảnh quan, sản phẩm địa phương.

Điển hình, đến với Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, du khách được tham quan những nương chè được thiết kế đẹp mắt, trải nghiệm thu hái, chế biến, đóng gói, thưởng thức các loại trà thuộc loại ngon nhất ở vùng đặc sản chè Tân Cương nổi tiếng. Giám đốc hợp tác xã này, bà Đào Thanh Hảo nhiệt tình chia sẻ về nghề chè, cách pha và cách thưởng thức trà nhiệt tình, làm du khách hài lòng. Từ khi trở thành điểm du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba đến năm sao, doanh thu hàng năm của hợp tác xã tăng từ 15% đến 20%.

Nhiều sản phẩm OCOP Ninh Bình đã được đưa vào giới thiệu tại các khách sạn và một số sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh.
Nhiều sản phẩm OCOP Ninh Bình đã được đưa vào giới thiệu tại các khách sạn và một số sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh.

Tại Ninh Bình, ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cho biết: Ngoài việc tiêu thụ qua các kênh chính thống, bán hàng online, sản phẩm của Công ty còn được trưng bày và giới thiệu tới khách du lịch qua nhiều hoạt động du lịch địa phương. “Tôi tin rằng, gắn với du lịch thì sản phẩm sẽ được quảng bá rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn. Và thực tế không ít sản phẩm của chúng tôi đã theo chân du khách lên máy bay,” ông Duật nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Duật, hiện nay phía doanh nghiệp du lịch có rất ít thông tin về sản phẩm OCOP của tỉnh. Bởi vậy, giữa nhà sản xuất, cung ứng và doanh nghiệp du lịch cần có nhiều sự tương tác nhiều hơn nữa để hai bên tìm ra điểm nhìn chung, từ đó xúc tiến, thúc đẩy gắn kết sự phát triển của sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương với thị trường du lịch.  

Có thể nói, du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương đồng thời cũng kích thích du khách tăng chi tiêu. Đây vừa là sân chơi để các đơn vị có thể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, cũng là nơi các điểm đến có động lực để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate