Chiều 22/12, Tập đoàn dệt may Việt Nam thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động 2022, định hướng năm 2023.
KHÓ CHỒNG KHÓ TỪ QUÝ 4/2022
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, năm 2022 ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng trải qua một năm với nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, đầu năm hừng hực khí thế nhưng cuối năm đổi chiều nhanh chóng.
6 tháng đầu năm 2022 ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 15 năm trở lại đây, mức tăng 35-40%. Mức tăng cao này xuất phát từ nhu cầu sau đại dịch người tiêu dùng mua nhiều hơn, khiến cho lượng đơn hàng của quý 1/2022 tăng vọt. Song sang quý 3 và 4/2022 đơn hàng sụt giảm mạnh, có đơn vị giảm tới 70-80% đơn hàng.
Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Tập đoàn cũng thừa nhận, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm là 2 màu sắc khác nhau của thị trường. Trong 5 thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, thì 2 thị trường là Mỹ và EU có sự đảo chiều rất nhanh.
6 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu dệt may vẫn còn tăng trưởng ở thị trường này lên tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng từ quý 4/2022 tình hình diễn biến theo đúng kịch bản xấu nhất mà Tập đoàn đã dự báo.
Tháng 10-11/2022, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ giảm từ 10-14%, trong khi 8 tháng đầu năm vẫn tăng tới 20%. Điều này cũng trái ngược so với các năm bởi thông thường quý 4 là thời điểm có kết quả xuất khẩu tốt nhất.
Tính tại thời điểm 9 tháng năm 2022 lợi nhuận của Vinatex đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Nhưng từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống.
Trong những tháng đầu quý 4, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại.
Nhiều khó khăn “bủa vây”, kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2022 của Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6 % kế hoạch. “Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường hết sức khó khăn kể cả đơn hàng, lao động”, ông Vương Đức Anh đánh giá.
Tình trạng này ở các quốc gia xuất khẩu dệt may khác cũng không sáng sủa hơn. Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc tháng 10 giảm 13% - mất khoảng 3 tỷ USD, Bangladesh là quốc gia duy nhất duy trì được đà xuất khẩu, Ấn Độ tháng 10 giảm tới 35%, Campuchia giảm 17%... Như vậy từ phía cung từ các quốc gia xuất khẩu, từ phía cầu đều có sự biến động theo chiều hướng xấu đi.
KIÊN QUYẾT BẢO VỆ 2 NGUỒN TÀI SẢN QUÝ
Dự kiến năm 2023 thị trường chưa thể có sự hồi phục quay lại sớm. Có 4 yếu tố tác động chính đến thị trường năm 2023. Đó là chính sách lãi suất của FED, xung đột Nga – Ukraine chưa biết đến khi nào kết thúc, chính sách zero Covid của Trung Quốc, môi trường kinh doanh nói chung (tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá cước logistics, lạm phát toàn cầu...).
Trước bối cảnh chưa sáng sủa, người đứng đầu Vinatex cho rằng xác định rõ những khó khăn trước mắt giúp Tập đoàn bước đi một cách chủ động hơn, không còn hoang mang trước những “bất định” mà đã sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực.
“Con đường duy nhất là toàn bộ hệ thống trong Tập đoàn cần vững vàng, sáng suốt và quyết tâm cao để có thể đề ra và triển khai kế hoạch linh hoạt, điều chỉnh, nâng cấp với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường”, ông Trường tự tin nói.
Vinatex xác định, hai nguồn tài sản quý nhất của doanh nghiệp là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng. Do đó, mục tiêu của Vinatex là giữ lao động lành nghề, ổn định nguồn lao động và giữ vị trí trong chuỗi, dù đơn hàng không hiệu quả vẫn phải làm.
Chính vì vậy, đến nay các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động dù không có tăng ca, hay làm thêm giờ, giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước.
Tập đoàn vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40 - 48 giờ/tuần. Tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,69 triệu/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.
Hiện tại, 100% các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động. Một số đơn vị lớn như: Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Công ty CP Dệt May Huế, Tổng Công ty Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội… đều có chi thêm ít nhất từ 0,5 – 2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13.