October 21, 2023 | 12:35 GMT+7

Khoa học công nghệ đã “góp sức” cho tăng trưởng của ngành thủy sản

Chương Phượng -

Ngành thủy sản những năm qua có tốc độ tăng trưởng ổn định 4,5 - 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành Nông nghiệp và không ngừng phát triển về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Kết quả này có sự đóng góp của khoa học công nghệ…

Khoa học công nghệ đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành thủy sản.
Khoa học công nghệ đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành thủy sản.

Mới đây, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc về: "Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, công nghệ lĩnh vực thủy sản" nhằm giới thiệu các công trình nghiên cứu mới, có triển vọng tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất.

CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KỸ THUẬT NGÀNH THỦY SẢN VẪN CÒN PHÂN MẢNH

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 20 năm qua với mức tăng bình quân 9,07%/năm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

 

"Giai đoạn 2018-2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm được công nhận tiến bộ kỹ thuật; chọn tạo được 23 giống cá, tôm cho tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt... Cùng với đó, đã nghiên cứu đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về dịch bệnh trên tôm, cá; xây dựng được công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển..."

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện nước ta có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 3,77 triệu tấn, đáp ứng 85,6% nhu cầu trong nước. Trong đó, có 96 cơ sở sản xuất thức ăn cá tra, 68 cơ sở thức ăn tôm sú và 38 cơ sở thức ăn tôm chân trắng. Tỉ lệ thức ăn thủy sản phải nhập khẩu của nước ta ngày càng giảm dần, nhưng nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn (như ngô, khô dầu đậu nành, đậu tương, bột cá, dầu cá hồi, nhóm các acid amin…) vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu với hơn 50%.

Ngành chế biến thủy sản của nước ta hiện có gần 600 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế gần 2,8 triệu tấn sản phẩm/năm. Hiện trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tỷ trọng sản phẩm sơ chế chiếm 51%; sản phẩm làm sẵn chiếm 36%; sản phẩm ăn liền chiếm 13%. Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học trong chế biến bảo quản thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản.

Đối với nuôi trồng, công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản được nâng lên, đủ để sản xuất; tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; giống tôm sú bước đầu được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh…

Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất. Khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp...

CẦN NGHIÊN CỨU SÂU VỀ GIỐNG VÀ PHÒNG TRỪ DỊCH BỆNH

Bà Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhận định, ngành thủy sản đã và đang phát huy các lợi thế, khẳng định là một trong những ngành mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của cả nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong ổn định xã hội, bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo.

“Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: giá cả nguyên vật liệu leo thang; tác động của biến đổi khí hậu; thị trường bấp bênh và sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế”, bà Lụa nói.

Tuy nhiên, cùng với khó khăn, bà Lụa cho rằng ngành thủy sản cũng có nhiều cơ hội mở ra, đó là sự phát triển của ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số trong thủy sản và chế biến sản phẩm thủy sản. Nghiên cứu khoa học ngành thủy sản thời gian tới cần chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh; tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ; đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua ở mức 4 - 5%, chiếm 28,7% trong tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp. 

“Chúng ta có diện tích nuôi tôm 750.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,04 triệu tấn. Diện tích cá tra khoảng 4.600 ha, sản lượng gần 1,6 triệu tấn, xuất khẩu 2,46 tỉ USD, năng suất đứng đầu thế giới, trình độ tương đương với Hoa Kỳ”, Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tổng sản lượng thủy sản năm 2022 đạt hơn 9 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn, nuôi trồng hơn 5,2 triệu tấn. 9 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,8 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 0,4%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 3,6%. Còn về xuất khẩu, đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỉ USD, tất nhiên vẫn còn giảm, nhưng bước sang tháng 10 đã khởi động tốt hơn; đơn hàng đã tăng… Đạt được những kết quả khả quan như vậy, phải khẳng định có sự đóng góp rất lớn của khoa học công nghệ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ, hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp.

Mặt khác, quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ… 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh thủy sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate