Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tới hết quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước…
XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG CÁC THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC ĐỀU TRÊN 1 TỶ USD
Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tính từ đầu năm tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…
Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước.
Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
"Riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU, Trung Quốc đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022".
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo VASEP, sự suy giảm xuất khẩu tôm năm nay không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là tình cảnh chung của ngành tôm trên toàn thế giới.
Tuần trước, các doanh nghiệp và chuyên gia đến từ nhiều nước châu Á đã tham gia chuỗi Hội nghị Bàn tròn Nuôi trồng Thủy sản được tổ chức tại Bali, Indonesia. Tại đây, các doanh nghiệp phản ánh tình hình hiện tại của ngành nuôi tôm ở châu Á, giá tôm ở mức thấp nhất trong 10 năm do tình trạng dư cung toàn cầu. Phiên họp của ngành giải quyết các vấn đề hiện tại mà các nhà sản xuất phải đối mặt, bao gồm giá thấp và chi phí sản xuất cao trong cuộc khủng hoảng tôm hiện nay; và các thị trường tiềm năng cho tôm châu Á trong nước cũng như tại khu vực.
Các bài thuyết trình kỹ thuật nêu bật những thách thức hiện tại trong chuỗi cung ứng của ngành tôm và đưa ra giải pháp cho những vấn đề này. Trong đó, giải pháp quan trọng được nêu lên là phải hạ giá thành sản xuất tôm để ứng phó với tình trạng giá bán tiim giảm sâu. Thức ăn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tôm bền vững, cần tập trung vào các phương pháp dinh dưỡng để đạt hiệu suất sản xuất tối ưu, bao gồm các cơ hội sử dụng enzyme và chất phụ gia chức năng để cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, khả năng kháng bệnh và giảm chi phí thức ăn.
Tương tự như tôm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9/2023 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.
Tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
AN TOÀN THỰC PHẨM LÀ “CHÌA KHÓA” ĐỂ GIỮ VỮNG THỊ TRƯỜNG
Theo VASEP, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản, nhằm ngăn ngừa rủi ro từ việc “Nhật Bản xả nước thải nhiễm hạt nhân” vào Thái Bình Dương, đã tác động lên thương mại hải sản từ tháng 8/2023 đến nay. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh trong tháng 9/2023, với mức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng năm 2023, thị phần hải sản từ Nhật Bản nhập khẩu vào Trung Quốc là 3,6% thấp hơn so với Việt Nam là 4,1%.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản sẽ chỉ có tác động về mặt tâm lý, bởi chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định nước xả thải từ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản dù đã qua xử lý vẫn gây nguy hại đến sức khoẻ con người.
"Tuy nhiên, tâm lý người dân Trung Quốc có thể e ngại tiêu thụ ngay cả đối với hải sản đánh bắt nội địa ở một số vùng biển gần Nhật Bản. Do đó, nhu cầu thuỷ hải sản nhập khẩu của Trung Quốc sẽ từ các nước trong đó có Việt Nam sẽ tăng lên. Không chỉ ở Trung Quốc, người dân Hàn Quốc cũng đang có tâm lý e ngại tiêu thụ hải sản đánh bắt trong nước vì một số vùng biến gần khu vực xả thải của Nhật Bản", ông Hòe nhận định.
VASEP cho rằng trong bối cảnh nhiều “bê bối” lo ngoại về mất an toàn thực phẩm hiện nay, việc đảm bảo chất lượng thủy sản và an toàn thực phẩm chính là “chìa khóa” để giữ vững thị trường và mở rộng xuất khẩu thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa mới ban hành Chỉ thị 6433/CT-BNN-CCPT về việc tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, trong tháng 6/2023, Ủy ban Châu Âu đã cử đoàn thanh tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về điều kiện vệ sinh của các cơ sở trong chuỗi sản xuất, chế biến, đặc biệt tại các cơ sở trong khâu sản xuất ban đầu (khai thác, nuôi trồng thủy sản); hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước chưa cao.
"Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý 4. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD".
Báo cáo của VASEP.
Nhằm khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần phải tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan địa phương.
Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng thực hiện thẩm định, kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở trước chế biến (cơ sở thu mua, sơ chế, cơ sở sản xuất nước đá) đáp ứng quy định hiện hành. Trước mắt triển khai cho các cơ sở trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Châu Âu (EU).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng trình Bộ ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi thủy sản xuất khẩu vào EU đảm bảo các cơ sở tham gia chuỗi phải đáp ứng đầy đủ quy định của EU, quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan thẩm quyền EU công nhận vào Danh sách được phép xuất khẩu sang EU.
Đồng thời, thực hiện thẩm định, đánh giá sự tuân thủ quy định, quy chuẩn của Việt Nam và EU về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu, kho độc lập bảo quản thành phẩm thuỷ sản xuất khẩu đi thị trường EU; đăng ký đề nghị EU đưa tên các cơ sở sơ chế, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu.
Ngoài ra, cần tham mưu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khung cơ sở dữ liệu toàn quốc về quản lý an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và truy xuất nguồn gốc.