Ngày 13/7/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
CHI TRẢ ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI CHẾ ĐỘ CHO NGƯỜI HƯỞNG
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn nhưng các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể có 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 662 nghìn người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,35 triệu người (khoảng 5,04%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86% dân số. 14,29 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 495 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân còn chịu tác động nặng nề sau đại dịch Covid-19.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành giải quyết cho khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần; hơn 4,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Đồng thời, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho hơn 499.800 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, hơn 490.700 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và trên 9.000 người hưởng mới hỗ trợ học nghề.
Bên cạnh đó, công tác chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp luôn được thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng.
Ngoài việc chi trả bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua hệ thống bưu điện, tiếp tục vận động, khuyến khích người nhận các chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 1% so với năm 2022).
Công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cũng được triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Tính hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng 18,76 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2022); với số tiền giám định, thanh toán là 57.03 tỷ đồng (tăng 10.79 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022).
Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường triển khai. Ngành đã phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị, kết quả, số tiền các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022); ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng.
Yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.
CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI KỊCH BẢN ĐIỀU HÀNH THÍCH ỨNG VỚI DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH
Tại hội nghị, các ý kiến đã báo cáo, phân tích một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó dự báo tình hình và giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Theo đại diện các ban của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối với lĩnh vực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần tham mưu chính quyền địa phương giao chi tiêu đến từng quận huyện, ban hành các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, không nên dàn trải mà cần tập trung vào những nhóm lớn; khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn đến cấp huyện, cấp xã…
Về lĩnh vực bảo hiểm y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, một số địa phương tăng đến 60 -70%. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác khám chữa bệnh và giám định bảo hiểm y tế; chủ động công tác tham mưu đề xuất, thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Liên quan đến việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Ban nghiệp vụ thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố đã rất nỗ lực trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân, đồng thời kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Trong đó, một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Thời gian tới cần có sự phối hợp, thống nhất cao hơn nữa giữa hai ngành Bảo hiểm xã hội và ngành Công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi; có quy định, chế tài xử lý mạnh để chấm dứt tình trạng nêu trên...
Ngoài ra, trong thời gian còn lại của năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tiễn triển khai.
Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, dù các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ, song các khó khăn, thách thức là không ít nên toàn Ngành không được lơ là, chủ quan.
Tổng Giám đốc chỉ đạo, các đơn vị và Bảo hiểm xã hội các địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong tổ chức, thực hiện để chủ động phối hợp với các Bộ, ngành… đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần tăng cường các giải pháp thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn trục lợi quỹ, đảm bảo quyền lợi người tham gia; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm...