Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh là vô cùng cấp bách. Tại Diễn đàn Mekong Startup lần II năm 2024 vừa diễn ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh ở các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… đã chia sẻ các mô hình và kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh như một động lực mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KHỞI NGHIỆP XANH, SÁNG KIẾN XANH
Chia sẻ sáng kiến, giải pháp phát triển nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123 (nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm trái cây sấy dẻo cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu), cho rằng doanh nghiệp ngoài việc chú trọng phát triển kinh doanh, còn phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giảm tác động khí hậu.
Tuy nhiên, để thực hiện xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi phải hiểu biết nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Điều này với một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các cấp và các quỹ đầu tư.
Để thúc đẩy nông nghiệp, khởi nghiệp xanh, ông Viễn nhấn mạnh cần đặt trọng tâm canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. “Doanh nghiệp đã nghĩ tới tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam/thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ, đầu và vỏ tôm chiết xuất ra các chất rất giá trị cho công nghiệp dược phẩm…”.
Nhưng do vẫn là những mô hình nhỏ, lẻ, các doanh nghiệp còn hoạt động đơn độc nên rất cần sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan để những mô hình kinh tế tuần hoàn có kết quả cụ thể theo từng năm, theo từng tỉnh, từng loại hình cây, con... trở thành xu hướng mới bứt phá cho ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, ông Viễn cũng đề xuất cần chú trọng hơn trong đầu tư hạ tầng mềm, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu lớn trong nông nghiệp. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh kết hợp chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc sử dụng các thiết bị và công nghệ để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng của đất, giúp quản lý hiệu quả hơn lượng nước và phân bón và nhiều mô hình khác cần quan tâm để có phân bổ đầu tư hợp lý.
Giá trị của việc đầu tư này không chỉ giúp ích quá trình quản trị của nhà nước mà còn cho doanh nghiệp những dự báo, khuyến nghị canh tác, nuôi trồng phù hợp.
Ngoài ra cũng cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan. Thách thức đặt ra với chuyển đổi xanh từ các mô hình canh tác truyền thống không dễ dàng, nhất là khi yêu cầu kỹ thuật của các thị trường lớn xuất khẩu ngày càng khắt khe. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ để hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh có nhiều cơ hội.
Còn bà Cao Thị Cẩm Nhung, người sáng lập thương hiệu Lemit foods, Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm sáng tạo (Hậu Giang), chia sẻ về dự án tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đặc biệt là trái mít, góp phần xây dựng hình ảnh mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Nhung, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh như Lemitfoods, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía.
HÌNH THÀNH CÁC MÔ HÌNH, TRUNG TÂM TRỢ GIÚP KHỞI NGHIỆP XANH, TIẾP CẬN ƯU ĐÃI XANH
Trong các diễn đàn, nhiều ý kiến đề cập tới các ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh nhằm thúc đẩy phát triển xanh, sáng kiến xanh. Đây là những nội dung cần thiết trong giai đoạn đầu cần thúc đẩy chuyển đổi.
Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm sáng tạo mong muốn cơ chế hỗ trợ hình thành các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp hay Trung tâm trợ giúp khởi nghiệp xanh để giúp doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi xanh. Bên cạnh đó, rất cần xây dựng khung pháp lý hoặc tiêu chuẩn rõ ràng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ở khía cạnh hỗ trợ tiếp cận vốn, các ngân hàng chưa phát triển mạnh mẽ các sản phẩm tín dụng xanh, cho vay xanh nên muốn thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo gắn với kinh tế xanh rất cần đẩy mạnh các dòng tín dụng xanh. Do đó, bà Nhung kiến nghị chuyển đổi một phần các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa thành các quỹ đầu tư chuyên biệt dành cho các dự án khởi nghiệp xanh, thu hút thêm các quỹ đầu tư uy tín khác của quốc tế và trong nước.
Ngoài ra cần thường xuyên duy trì triển khai hoạt động nâng cao nhận thức. Các cơ quan trung ương, chính quyền có thể tạo ra các chương trình khuyến khích các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng sản phẩm xanh tương tự như chương trình "Người Việt dùng hàng Việt". Theo bà Nhung, điều này sẽ góp phần lan tỏa nhận thức hiệu quả để tạo ra thị trường cho các dòng sản phẩm mới.
Về xây dựng cộng đồng khởi nghiệp xanh, ý tưởng hình thành mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong và các Nhóm công tác xanh là sáng kiến thiết thực. Để vận hành các nhóm công tác, bà Nhung nêu đề xuất cho phép gắn kết mạng lưới này vào các bài toán lớn quốc gia, các đề án quan trọng như Đề án một triệu ha lúa, đề án chống biến đổi khí hậu hay nhiều đề án, dự án khác để doanh nghiệp có thể lớn lên cùng các mục tiêu quốc gia và cấp vùng…
Doanh nghiệp này kỳ vọng cộng đồng khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng phát triển và có cơ hội vươn mình thành các thương hiệu nông sản xanh của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Là đơn vị phát triển dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản", ông Nguyễn Trung Tính, Công ty Alpha Amin, chia sẻ bằng cách giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản, dự án tạo điều kiện cho tuần hoàn nguồn nước và gia tăng miễn dịch tự nhiên, góp phần bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Tuy nhiên, từ khi khởi tạo dự án năm 2020, đội ngũ gặp không ít thách thức, từ thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm quản trị, marketing cho đến vấn đề vốn đầu tư…
Do đó, để phát triển mạnh kinh tế xanh, phát triển bền vững, ông Tính đề xuất cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Các trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh. Đây cũng có thể là nơi thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và nhà đầu tư để hợp tác phát triển theo định hướng xanh, bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường nên được hưởng các ưu đãi về thuế, giúp giảm gánh nặng tài chính, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào phát triển xanh.
Yếu tố quan trọng nhất là cần có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc vốn xanh, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ tài chính xanh từ Chính phủ và các quỹ đầu tư xanh. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đặc biệt là trong các giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn về tài chính.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, đại diện các nhà sáng lập, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng giới thiệu các mô hình du lịch cộng đồng tác động thấp, hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch bền vững phát triển, ông Võ Văn Phong, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch C2T, cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch xanh, cần phải đào tạo nguồn nhân lực xanh, tương thích với các yêu cầu chuyển đổi xanh. Từ đó, không chỉ chuyển đổi ngành du lịch mà còn tạo nhân lực chất lượng cho nhiều ngành kinh tế khác trên địa bàn.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch xanh mong muốn có các chính sách tạo đòn bẩy về ưu đãi thuế, vốn vay, kết nối thị trường... để tạo đà cho các doanh nghiệp và hộ dân đi đầu, chứng minh giá trị của du lịch xanh thì từ đó sẽ thu hút nhiều hơn cộng đồng cùng tham gia.